Chi tiết tin

VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM - VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

             Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì bữa ăn gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng, là mối liên kết các thành viên trong gia đình, tạo không khí đầm ấm và hạnh phúc. Không những thế, bữa ăn gia đình còn góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của những người thân yêu và nhất là đảm bảo sự an toàn vệ sinh thực phẩm trong chọn lựa, chế biến. Tuy nhiên, vấn đề thực phẩm hiện nay đang trong tình trạng báo động về nguồn gốc, xuất xứ, sự tràn lan của thực phẩm bẩn trên thị trường, nhất là tại một số chợ
           Ở TP.HCM hiện nay có khoảng 233 chợ truyền thống, trong đó, có ba chợ đầu mối lớn, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80% nguồn thực phẩm, rau củ từ các địa phương khác. Với đặc điểm là vùng đô thị hiện đại, việc sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 đến 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thông qua nhiều nguồn. Chính vì vậy, việc quản lý nguồn gốc thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, nguồn thực phẩm an toàn vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường thành phố, nhất là các mặt hàng rau xanh. Mặt khác, không ít người nội trợ vẫn chưa có ý thức chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chấp nhận rủi ro, miễn được giá rẻ, thuận tiện; một số người bán cũng ít quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng; người trồng trọt, chăn nuôi chưa thật sự nghĩ đến hậu quả cho cộng đồng khi sử dụng quá liều các loại thuốc kích thích, tăng trọng…
             Trước thực trạng trên, thành phố Hồ Chí Minh đã có những giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo cho người tiêu dùng thói quen chọn mua, sử dụng thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đó là, Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng gia cầm; Chương trình truy xuất nguồn gốc rau xanh, thực phẩm hữu cơ tại các hệ thống siêu thị và cả một số chợ truyền thống lớn trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, giúp người dân an tâm và xây dựng sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn. Song song đó, thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội LHPN thành phố đã, đang tuyên truyền, vận động, triển khai đến hội viên, phụ nữ và các hộ dân trên địa bàn thành phố về các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, nhất là tiêu chí “3 sạch” gắn với cung cấp các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để chị em biết cách lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, chăm sóc tốt sức khỏe gia đình. Để khuyến khích hội viên phụ nữ quan tâm, ưu tiên chọn lựa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng, một số đơn vị quận huyện Hôi còn liên kết với các doanh nghiệp có uy tín, bán hàng chất lượng, giảm giá đối với hội viên phụ nữ, qua đó, vừa tăng cường quyền lợi cho chị em vừa tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn.
             Để bữa ăn gia đình Việt thêm đầm ấm, an toàn, thiết nghĩ rất cần sự quan tâm, chung tay của cộng đồng. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc mở rộng vùng trồng trọt, chăn nuôi an toàn, nâng cao sản lượng cung cấp, phải:
  • Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, phụ gia chế biến thực phẩm...;
  • Xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu an toàn, gây hại cho người tiêu dùng.
  • Phối hợp tốt với chính quyền địa phương vận động các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương tại các chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm an toàn. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động, tạo cho người tiêu dùng thói quen mua, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất, chế biến theo đúng quy trình, quy định.
          Bên cạnh trách nhiệm thực của các nhà quản lý, điều cần thiết nhất vẫn là sự sáng suốt, thông minh trong lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm sạch của mỗi người. Một khi người tiêu dùng đồng lòng tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc thì những người sản xuất, kinh doanh sẽ buộc phải chuyển đổi theo hướng tích cực, có lợi cho sức khỏe cộng đồng./.
 
Lương Thảo – Phương Trà
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan