Khởi nghiệp gắn với các sản phẩm thân thiện môi trường
Từ cửa hàng bán vật liệu xây dựng của gia đình, chị Phạm Nguyễn Thanh Thủy - Thành viên CLB Nữ Doanh nhân Quận 7 đã thuyết phục ba mẹ bỏ nghề, cho chị sử dụng mặt bằng ngay mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh làm một cửa hàng giới thiệu sản phẩm vừa đủ để trưng bày hàng mẫu cũng như làm nơi giao dịch với khách hàng. Hầu hết sản phẩm cửa hàng của chị là mặt hàng lưu niệm và đồ dùng gia đình được làm từ nguyên liệu tự nhiên có ở khắp các tỉnh như: Kiên Giang, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Thái Bình… với sự tỉ mỉ, công phu nhưng rất mộc mạc, tiện dụng. Ban đầu chị Thanh Thủy mở xưởng gia công cho các nơi theo đơn đặt hàng, dần dần chị đặt hàng làm thủ công làm sẵn rồi thiết kế, tạo mẫu theo đơn của khách. Khách hàng của chị có cả trong nước và ngoài nước, đặc biệt là khách hàng chuộng hàng làm thủ công như Pháp, Nhật Bản. Chị Thủy chia sẻ: “Sau đợt dịch Covid-19 kéo dài làm mọi thứ “đóng băng” nên khi thị trường sôi động trở lại tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Sài Gòn Zero Waste chuyên làm quà tặng, sản xuất các mặt hàng lưu niệm. Vật dụng hoàn toàn bằng chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường”. |
 |
 |
Nhưng làm sao để sản phẩm có “tuổi đời” dài nhất, nhất là có thể phân hủy hoàn toàn, không biến thành rác thải ra môi trường; đồng thời, làm phong phú thêm sản phẩm của công ty. Trăn trở với suy nghĩ này, cũng là đáp ứng xu hướng tiêu dùng túi vải làm từ vật liệu thân thiện với môi trường của giới trẻ, chị Thanh Thủy ấp ủ ý tưởng tạo ra vải từ xơ của lá cây khóm. Nghe ý tưởng có vẻ đơn giản vì cây khóm là cây nông nghiệp được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới, lá khóm thì hầu hết nông dân đều bỏ đi. Song làm sao để tách xơ từ lá khóm ra, rồi dệt thành vải mới là câu chuyện khiến chị Thanh Thủy “mất ăn mất ngủ”. Thế rồi, sau thời gian lặn lội đi thực tế vùng trồng khóm sản lượng cao ở huyện Tân Phước (Tiền Giang), chị Thủy may mắn được một số hộ nông dân và bạn bè kết nối với những nơi dệt vải từ sợi để chị xúc tiến làm bản thử nghiệm sợi lá khóm và vải lá khóm. Chị Thủy cho biết: Qua tiếp xúc với các anh, chị nhà nông trồng khóm tại các tỉnh Tiền Giang và Ðồng Tháp có nguồn xơ lá khóm quanh năm, tôi nhận thấy nguồn nông sản rất lớn sau khi tiêu thụ trái khóm cho mảng thực phẩm thì xơ lá khóm được xem là rác thải, không có giá trị kinh tế. Khi xơ lá khóm được thu gom về đập dập để bỏ phần thịt xơ màu xanh lá cây còn lại phần xơ trắng của lá khóm. Từ đó, chị quyết định xây dựng ý tưởng “Túi vải xơ lá khóm”, thông qua Hội LHPN Quận 7 để gửi tác phẩm dự thi.

Với Dự án Túi vải học đường (túi vải xơ, lá khóm bền vững) tham gia Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Nữ Doanh nhân Thành phố tổ chức, chị đạt Giải Ba hội thi “Ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022.
Tuy nhiên giá thành sản xuất sản phẩm túi vải học đường từ sơ, lá khóm khá cao đến nay chị vẫn chưa áp dụng ý tưởng của mình vào sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, chị tập trung sản xuất túi vải từ canvas mộc, đặc điểm nổi bật của vải canvas là độ bền cao, chắc chắn, an toàn cho người sử dụng vì chất liệu cấu thành từ sợi bông thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phù hợp để may thành túi xách, ba lô, túi đeo chéo,... giá cả phù hợp lại được giới trẻ rất ưa chuộng, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù ý tưởng túi vải từ sơ, lá khóm của chị chưa được thực hiện nhưng chị không nản chí, thay vào đó chị tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, sản xuất túi vải từ canvas mộc với hình thức lấy ngắn nuôi dài, nhờ vậy chị đã tạo việc làm ổn định cho 05 chị với mức thu nhập 5 triệu đồng/ 01 chị/ 01 tháng, chị còn tạo điều kiện hỗ trợ 01 chị đơn thân có hoàn cảnh khó khăn 01 góc trưng bày bán sen đá và 01 chị thiết kế, bán những sản phẩm tái chế từ vải jean ngay tại cửa hàng trưng bày sản phẩm, giới thiệu hàng mẫu của mình.
Đoan Trang