Chi tiết tin

HỘI LHPN TPHCM PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI NĂM 2024


            Tháng 10/1960, Bác Hồ viết bài "Phải thực sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ" đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 23/10/1960. Trong bài viết ngắn ngủi này, Người đã khẳng định "Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ". Năm 1960, khi đất nước còn bị chia cắt, khi sự nghiệp giải phóng dân tộc mới đi được một nửa, khi đất nước còn bộn bề khó khăn cần lãnh tụ tập trung giải quyết nhưng Người vẫn nghĩ về đời sống phụ nữ Việt Nam và vai trò của họ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, vẫn có tính thời sự. Cuộc cách mạng "nam nữ bình quyền" mà Người khởi xướng vẫn đang thôi thúc "từng người, từng gia đình, đến toàn dân" thực hiện.
            Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Bình đẳng giới là các giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
            Qua 08 năm triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến 15/12 hằng năm trên phạm vi toàn quốc và hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ngày 25/11, đã có hàng triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bình đẳng giới.
            Cùng với cả nước, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, đợt cao điểm truyền thông nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về bình đẳng giới; chủ động cam kết và có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Công tác phổ biến, giáo dục được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tham gia… đã giúp việc tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.
Bình đẳng giới phải xuất phát ở cả hai phía, cùng nhìn nhận được các vấn đề của nhau, tìm cách giải quyết. Việc nam giới làm cho phụ nữ tiến bộ hơn cũng chính là giúp cho nam giới có trách nhiệm hơn, trở nên văn minh hơn. Và việc người phụ nữ ủng hộ nam giới trong cuộc sống, bằng cách giúp họ vượt qua các vấn đề thường gặp cũng là điều cần làm.

            Với tất cả ý nghĩa đó, Hội LHPN Thành phố phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 và mong muốn:
            - Phụ nữ, trẻ em gái: cần xóa bỏ mặc cảm, tự ti bản thân, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và hãy dũng cảm lên tiếng khi bị phân biệt đối xử, xâm hại, bạo lực. Điều quan trọng nữa là hãy nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong học tập, lao động để hướng đến bình đẳng giới thực sự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang có nhiều khó khăn, mỗi gia đình, mỗi phụ nữ cần cố gắng để làm chủ cuộc sống.
            - Nam giới, trẻ em trai: để xóa bỏ tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái… thay đổi thực sự phải bắt đầu từ nam giới. Nếu một cậu bé thấy người cha của mình đối xử với chị gái và mẹ của mình một cách tôn trọng, bé sẽ học theo và hành xử giống như vậy. Ngược lại, nếu bé thấy cha mình đánh đập mẹ mình thì xác suất cao bé sẽ học theo những hành vi bạo lực của cha và hành xử với những người phụ nữ khác. Vì vậy, vai trò của nam giới trong bình đẳng giới không chỉ là một phần của vấn đề mà còn là một phần của giải pháp nữa.
            - Các cấp Hội cơ sở tiếp tục tổ chức các hoạt động thu hút nhiều nam giới tham gia nhằm phát huy vai trò của nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Thông qua hoạt động, tạo điều kiện để nam giới và cộng đồng nâng cao năng lực tham gia phòng ngừa, giảm thiểu các hành vi bạo lực trên cơ sở giới, góp phần kiến tạo môi trường sống an toàn và thân thiện cho tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.



            Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, chúng ta hãy “Lắng nghe và Hành động”, nghĩa là chúng ta cùng lắng nghe mà không phán xét, đánh giá các câu chuyện, trải nghiệm của người bị bạo lực, cùng nhau hành động để chấm dứt mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới.
Chúng ta cùng nhau thực hiện “LẮNG NGHE” (Tay phải để lên sau tai) - “HÀNH ĐỘNG” (Tay phải để thành nắm đấm thể hiện quyết tâm) - CHẤM DỨT BẠO LỰC GIỚI (Tay phải giơ bàn tay về phía trước thể hiện việc ngăn chặn bạo lực).
Ban Chính sách – Luật pháp
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan