Hội LHPN TPHCM triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cho thành viên Tổ Tư vấn cộng đồng tại khu phố, ấp
Chiều ngày 25/8/2023, Hội LHPN Thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2023 cho 350 anh, chị là cán bộ phụ trách nhiệm vụ Chính sách - Luật pháp của Hội LHPN thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện và thành viên Tổ Tư vấn cộng đồng tại Chi hội Phụ nữ khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ Hội, tuyên truyền viên liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Mở đầu Hội nghị, thạc sĩ Đàm Thị Vân Thoa – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp Hội LHPN Việt Nam đã có những chia sẻ về quá trình thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 tại các kỳ họp Quốc hội, đặc trưng của hành vi bạo lực gia đình, một số nhận thức về bạo lực gia đình ở Việt Nam, nhận thức của phụ nữ và nam giới về bạo lực gia đình, hậu quả của bạo lực gia đình… Tiếp theo, Báo cáo viên giới thiệu bố cục, điểm mới, các hành vi bạo lực gia đình, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình, biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình. Báo cáo viên cũng giới thiệu dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, đó là mô hình Ngôi nhà bình yên và các hoạt động hỗ trợ nạn nhân như chăm sóc sức khỏe, tham vấn và trị liệu tâm lý, kết nối và hỗ trợ pháp lý, kết nối đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và sinh kế, tham quan, vui chơi giải trí.

Những kiến thức, thông tin báo cáo viên chia sẻ tại Hội nghị rất thiết thực và cụ thể, giúp tuyên truyền viên dễ dàng nắm bắt những nội dung cần thiết trong quá trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư cũng như biết thêm về mô hình Ngôi nhà bình yên, một địa chỉ, một dịch vụ tin cậy hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực.
Bích Dung