Chi tiết tin

Hội LHPN TPHCM tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại


           Nhận thấy việc phát huy dân chủ trong tham gia phát biểu ý kiến, đề đạt nguyện vọng, đề xuất những giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đoàn thể, đơn vị trực thuộc thường xuyên, tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thông qua nhiều hình thức cũng như lồng ghép trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Đảng ủy CQ tiếp xúc, đối thoại với đoàn thanh niên CQ
          Thứ nhất là việc thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Định kỳ vào ngày thứ hai của tuần thứ nhất và tuần thứ tư của tháng, lãnh đạo cơ quan đều dành thời gian để tiếp công dân tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố. Bộ phận tiếp công dân được thành lập theo quy định và thực hiện ghi chép sổ sách rõ ràng. Trong năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tiếp công dân 306 buổi, tư vấn, hỗ trợ pháp lý 137 trường hợp (trong đó, có 113 nữ, chiếm tỷ lệ 82,5%; 24 nam, chiếm tỷ lệ 17,5%), về nhiều nội dung như: bạo lực gia đình; xâm hại tình dục phụ nữ; xâm hại tình dục trẻ em; đất đai; dân sự; hôn nhân – gia đình; liên quan đến lĩnh vực hành chính,…
Thủ trưởng cơ quan luôn khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động tham gia góp ý xây dựng cơ quan với nhiều hình thức, lắng nghe, kịp thời giải đáp thắc mắc của cán bộ, công chức, người lao động.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam chủ đề Thúc đẩy bình đẳng giới
và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội
          Thứ hai là định kỳ hàng quý, Đảng ủy cơ quan tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của Đoàn Thanh niên và Công đoàn cơ quan thông qua các buổi làm việc giữa Đảng ủy với Ban chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Chi đoàn thanh niên cơ quan. Sau mỗi buổi làm việc, Đảng ủy đã gợi ý, định hướng và chỉ đạo một số nội dung cần thực hiện để công tác của Chi đoàn và Công đoàn được tốt hơn, tạo sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức các hoạt động tại cơ quan.
           Đảng ủy chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thi đua, khen thưởng; tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan về Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thi đua, khen thưởng thông qua tại Hội nghị cán bộ công chức, người lao động. Tạo điều kiện cho cán bộ công chức, người lao động thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan thông qua: hội nghị cán bộ, công chức hàng năm; quy hoạch, đánh giá cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức; công khai việc quản lý, sử dụng biên chế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức... có sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân cơ quan và các tổ chức đoàn thể. Định kỳ trước khi tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, người lao động, các tổ công đoàn đều triển khai văn bản dự thảo Quy chế dân chủ cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua, khen thưởng,.. để lấy ý kiến của cán bộ, công chức, người lao động. Từ đó điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện Nghị định 56
           Đặc biệt, trong năm, đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Đảng ủy cơ quan với đoàn viên Chi đoàn TN cơ quan. Tại hội nghị, đoàn viên TN đã phát biểu ý kiến cho các hoạt động góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng công tác đoàn tại cơ quan; Công đoàn tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, qua đó tạo điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phát biểu, đề đạt những ý kiến, nguyện vọng để lãnh đạo cơ quan và tổ chức công đoàn lắng nghe, giải quyết
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện Nghị định 56
            Ngoài ra, Đảng ủy còn chỉ đạo thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan gắn liền với công tác tự phê bình và phê bình từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 41 năm Ngày thành lập Ban Dân vận Thành ủy TPHCM. Từ đó phát huy dân chủ cơ sở, tinh thần năng động, sáng tạo của đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động thông qua việc mỗi chi bộ đăng ký thực hiện ít nhất 01 công trình hoặc việc làm thiết thực mang lại hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh với cử tri cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu
          Thứ ba đối với hoạt động Hội gắn với việc phát huy dân chủ trong tham gia phát biểu ý kiến của hội viên phụ nữ. Hội LHPN Thành phố hướng dẫn cơ sở Hội nâng chất từ hình thức Diễn đàn hội viên sang tiếp xúc, đối thoại, mỗi cơ sở Hội thực hiện một cuộc tiếp xúc, đối thoại với chính quyền cùng cấp để chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn của hội viên phụ nữ, qua đó giúp hội viên phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng địa phương vững mạnh. Cụ thể:
          - Hội LHPN Thành phố đề xuất Chính phủ quan tâm người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn ở những nơi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”.
          - Tổ chức Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh với cử tri cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu trên địa bàn thành phố, có 15 cử tri phát biểu 21 ý kiến liên quan một số nội dung: Đề xuất chính sách Bảo hiểm Y tế chi trả tầm soát các bệnh nan y góp phần giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, giảm tỷ lệ tử vong cho các hộ nghèo, cận nghèo còn khó khăn khi thực hiện các dịch vụ; chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn - bệnh nghề nghiệp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã/phường/thị trấn; góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình; dự thảo Luật đất đai,....
         - Tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri số 23-TT/TU ngày 07/8/2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, có 6 bài tham luận và 13 ý kiến xoay quanh một số nội dung: công tác đào tạo cán bộ Hội; công tác luân chuyển cán bộ; kinh phí hoạt động Hội của Hội LHPN phường, xã, thị trấn; công tác phối hợp giữa Hội LHPN và các ngành có liên quan,...
Phương Huyền
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan