CÁN BỘ, HVPN THÀNH PHỐ TĂNG CƯỜNG ĐỀ CAO CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN "BẪY TÌNH"
Ở nước ta hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra hầu hết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Zing… (trong đó Facebook là phổ biến nhất) đem lại khả năng kết nối và chia sẻ thông tin giữa người dùng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi của mạng xã hội đem lại, không ít người dùng dễ dàng trở thành “nạn nhân” của đối tượng tội phạm, lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hại cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Từ thực tế điều tra, truy án, Cục C45, C50 và Công an các tỉnh, thành phố đã “vẽ” nên chân dung và phương thức phạm tội của đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao này như sau:
- Đa số đối tượng là người gốc Phi và thường cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam.
- Một số người Việt Nam giả danh người nước ngoài đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân (trong đó, đa số là phụ nữ).
- Lập tài khoản mạng xã hội với bề ngoài lịch lãm, thường ghi địa chỉ cư trú tại các nước phương Tây, như: Anh, Pháp hoặc Mỹ… vào Facebook tìm, kết bạn với phụ nữ Việt Nam.
- Giới thiệu mình là doanh nhân, xuất thân trong gia đình giàu có ở nước ngoài.
- Giả vờ yêu đương, hứa hẹn đám cưới và đề nghị tặng quà có giá trị hoặc chuyển một số tiền lớn về Việt Nam rồi thông báo cho nạn nhân là đã gửi tiền, quà tặng về.
- Đồng bọn là người Việt Nam gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân nộp phí “thông quan” hoặc tiền phí vận chuyển qua một tài khoản ngân hàng.
- Nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo 2 – 3 lần, mỗi lần trung bình hàng trăm triệu đồng.
- Khi nhận được tiền của nạn nhân, chuyển đến tài khoản, ngay lập tức đối tượng thực hiện việc rút tiền.
- Đối tượng thực hiện việc lừa đảo cho đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính để “nộp” cho đối tượng hoặc nghi ngờ thì đối tượng lừa đảo sẽ cắt liên lạc với nạn nhân.
Để không trở thành “nạn nhân” của các đối tượng lợi dụng công nghệ cao, nhất là mạng xã hội để lừa đảo, khuyến cáo người dùng mạng xã hội (nhất là Facebook) cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân cần đề cao cảnh giác với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao này như sau:
- Cần xác minh rõ danh tính của những người gửi lời đề nghị kết bạn qua mạng xã hội, hoặc gửi email đề nghị kết bạn.
- Tỉnh táo trước những lời đề nghị: hợp tác làm ăn, tán tỉnh, hẹn hò, gặp gỡ khi chưa xác định danh tính của người đề nghị.
- Tuyệt đối “KHÔNG” thực hiện việc “CHUYỂN TIỀN” hoặc các yêu cầu “nạp thẻ cào điện thoại”, “nạp thẻ game”, “thanh toán tiền điện, điện thoại, tiền nước…” khi các đối tượng gọi điện thoại yêu cầu.
- Thông tin vụ việc cho các thành viên trong gia đình biết để có hướng xử lý nếu tiếp tục nhận được lời đề nghị, yêu cầu từ các đối tượng.
- Cần báo ngay cho công an phường, xã, thị trấn hoặc gọi số 113 khi gặp trường hợp trên.
- Chủ động, tích cực hợp tác với cơ quan công an trong cung cấp thông tin về đối tượng, vụ việc nếu bị lừa đảo, để quá trình điều tra, truy án và bắt đối tượng phạm tội được thuận lợi, sớm giúp người bị hại thu hồi được tài sản bị lừa đảo và ngăn chặn các đối tượng tiếp tục phạm tội.
Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ cần tăng cường tính chủ động trong phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm nhất là tội phạm “bẫy tình”, lừa đảo bằng cách lợi dụng công nghệ cao và phát động hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng, tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện và tố giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tại địa phương./.
Phương Trà
(*) Nguồn: Trích Báo cáo Kết quả Hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm liên quan đến sử dụng mạng xã hội với thủ đạon “bẫy tình” để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản của Bộ Công an (số 639/C41-C43 ngày 13/3/2017)