08/15/2017
lê ngọc – Em xin chào Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh, em có một vấn đề rất mong được quí hội giúp đỡ. Hiện em 19 tuổi ( sm1998 ) và em có một bé trai 2 tuổi ( sinh con lúc em 16 tuổi ) . Em đang sống tại nhà của bác chồng từ lúc mang thai đến hiện nay. Em và chông có làm giấy kết hôn năm em tròn 18t nhưng chồng em đã có người yêu khác và không chung sống với em trước đó ( vào khoảng lúc con em được 3 tháng tuổi) . Em vẫn tiếp tục sống ở nhà bác chồng, mọi người rất yêu thương con em. Nhưng hôm nay chồng em về và muốn li hôn, và bắt em phải đồng ý để con lại. Và có rất nhiều gút mắt bên trong gia đình em vẫn tưởng là yêu thương mình. Họ đã để cho tất cả mọi ng xung quanh thấy họ thương em nhưng không giống như vậy. Em gửi mail này chỉ mong hội giúp đỡ e, giành được quyền nuôi con vì theo bên nhà bác có nói họ sẽ bắt được cháu và em không đủ điều kiện nuôi con vì nếu nuôi con em sẽ sống ở nhà trọ. Em có tìm được việc làm được gần 2 tháng. Thời gian em xin việc gia đình khó khăn với em và không hề muốn em có việc làm chỉ muốn em ở nhà làm dâu. Dạo gần đây chồng em có về nhà thường xuyên để sau li hôn xét điều kiện thăm nom và tiền bạc sẽ hơn em. Và gia đình còn tách con em hạn chế gặp em trong ngày, sau khi em đi làm về cũng tìm cách cho con đi chơi hoặc tối ngủ tự dưng mang con em lên phòng ông bà rồi khóa cửa không cho em vào với lí do là gặp em nhiều sẽ mè nheo. Em rất mong mỏi được sự giúp đỡ của hội, cho em xin ý kiến và chỉ dẫn cho em con đường đúng đắn và có thể giành được quyền nuôi con. Mong quí hội hiểu được nỗi lòng người làm mẹ và giúp đỡ. Em trình bày có nhiều sơ sót, mong quí hội đọc cảm thông bỏ qua cho em. Em xin thành thật cảm ơn quí Hội !
Trả lời: Chào bạn, Luật sư Tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tư vấn trường hợp của bạn như sau: Theo khoản 3 điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: "Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con". Như vậy, để được quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi ly hôn, bạn phải chứng minh bản thân hiện nay đang có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định đủ để nuôi con trai 02 tuổi; có chỗ ở ổn định, có điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con tốt. Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang có việc làm gần 02 tháng nay, bạn có thể sử dụng Hợp đồng lao động để chứng minh bản thân đang có việc làm và thu nhập và bạn cần chứng minh có chỗ ở ổn định sau khi ly hôn (sau khi rời khỏi nhà bác chồng), có điều kiện để trông nom, chăm sóc con, giáo dục con phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần, đảm bảo quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017). Nếu bạn cần tư vấn thêm về thủ tục pháp lý, vui lòng liên hệ với luật sư Tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, số 32 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; số điện thoại: 39.330.078; 62.915.393, chúng tôi có đội ngũ Luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí giúp bạn.Trân trọng!
04/12/2017
Hoi – Chào Trung tâm, bên công ty mình đang cần tuyển 1 số 1 vị trí, cho mình hỏi bên Trung tâm mình có dịch vụ cung cấp ứng viên không ạ, Xin cảm ơn!
Trả lời: Chào bạn.
Trước tiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cảm ơn bạn đã gửi thông tin đến Hội.
Vấn đề của bạn, Hội trao đổi như sau:
Hàng năm, nhằm tạo môi trường và cơ hội để lao động nữ, nữ thanh niên có nhu cầu về học nghề, tìm việc làm phù hợp, đồng thời, là cầu nối trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, Trung tâm Giới thiệu Việc làm trực thuộc Hội LHPN Thành phố có kế hoạch tổ chức “Ngày Hội việc làm Phụ nữ và Kết nối Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt”.
Năm 2017, Ngày hội lần 9 được tổ chức từ ngày 06/6/2017 đến 10/6/2017 tại Công viên Phú Lâm - Số 170 Kinh Dương Vương, Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mọi chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội LHPN Thành phố - Địa chỉ số 8 Ngô Thời Nhiệm – Điện thoại 08.39. 300. 578 - 08.39. 300. 478 – Email: ttgtvlpntp@gmail.com để trao đổi rõ hơn, bạn nhé.
04/12/2017
VŨ MẠNH HÙNG – Thời gian qua, báo Phụ nữ tp hcm có nhiều bài nói về bạo hành gia đình, và khuyến khích lên tiếng chống lại những hành vi vi phạm pháp luật này. Tuy nhiên, khi lên tiếng, người phụ nữ có được giúp đỡ can thiệp kịp thời hay không ? , hoặc trong khi tiến hành những thủ tục giải quyết ly hôn làm thế nào để bảo vệ được quyền nuôi giữ con ngay khi rời gia đình chồng ( đặc biệt là con dưới 36 tháng tuổi ) ? Cơ quan nào có quyền can thiệp giải quyết kịp thời?
Rất mong được quý báo tư vấn giúp. Cám ơn quý báo.
Trả lời: Chào anh Mạnh Hùng.
Cảm ơn anh đã quan tâm và gửi tin thắc mắc đến Hội.
Thông tin anh hỏi, Hội đã giải đáp thắc mắc trên Báo Phụ nữ Thành phố (chuyên mục Nhịp cầu hội viên), số ra ngày 19/5/2017.
Hội sẽ gửi nội dung giải đáp thắc mắc qua email của anh để anh xem được đầy đủ thông tin Báo Phụ nữ trả lời cho mình nhé.
Một lần nữa, cảm ơn sự quan tâm của anh.
03/30/2017
Lê Thị Tuyết Thanh – Xin chào Trung tâm Hội LHPN, e có một thắc mắt Hội cho e hỏi:
- Lúc trước e đi làm ở Cần Thơ giờ đã nghỉ và e cũng đã trình báo là e đã thất nghiệp rồi, sau đó e đã lên sg sống. E muốn nộp hồ sơ vào Trung tâm Hội LHPN để hưởng trợ cấp thất nghiệp có được không. Địa chỉ của e đang ở là quận Thủ Đức. Mong Trung Tâm phản hồi sớm, xin cảm ơn
Trả lời: Chào bạn Tuyết Thanh. Trước tiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cảm ơn bạn đã tham quan và gửi câu hỏi lên trang tin điện tử của Hội. Với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: * Do câu hỏi của bạn chưa nêu rõ về công việc trước đây khi đi làm ở Cần Thơ, vì vậy Hội không thể tư vấn cụ thể cho bạn được. Bạn tham khảo nội dung về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dưới đây để xem bạn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không. + Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: 1- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 2- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. 3- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng (dương lịch) kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. 4- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày (làm việc), kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp với Trung tâm dịch vụ việc làm. Như vậy, nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. * Ngoài ra, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, bạn chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Bạn có thể nộp hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tp.HCM: 153 Xô Viêt Nghệ Tĩnh, Phường 17, Quận Bình Thạnh. Nếu bạn ở Thủ Đức bạn nộp hồ sơ tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 2, 145 Lê Văn Thịnh, Phường Bình Trưng Đông, Quận 2. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Chúc bạn có được công việc như ý muốn và thành công.
03/10/2017
Nguyễn Vũ Huyền Thương – Hiện tại cháu có 1 em bé gái, và 2 đứa bọn cháu mỗi đứa 1 nơi, nhưng vấn đề là bên vợ cháu nó cứ kể công ba mẹ nó nuôi, ba mẹ nó có quyền bế, và vợ cháu gửi em bé và không cho cháu rước hoặc đi chơi, trong khi đó vợ cháu không coi cháu ra gì, vì bản thân vợ cháu chỉ biết đến tiền, bữa vợ cháu hỏi có tiền không, vợ cháu chửi mấy câu rất khó nghe, chửi nhà cháu là ổ chó, nói mẹ cháu về dạy lại con mẹ, con dâu có được quyền nói như vậy không, cháu thì cháu không muốn bế em bé mà có mẹ đi theo, và cháu không muốn qua vì không muốn gặp mẹ nó và gia đình bên đó, nhưng mà cháu qua không biết họ cho gặp bé không vì gia đình bên đó, cháu có nói vợ cháu, sau nhà bà có quyền bế đi, bà bế đi, sao tui bế đi thì lại không cho, rồi vấn đề ăn uống của em bé họ cũng cấm cũng nói, rồi ông bố vợ có nói, không cho cháu bế em bé, cháu nói sẽ ra hội phụ nữ nói cho hội biết, và ông bố thách cháu ra nói, và nói thách ra nói, chẳng có ai dám đụng vào cháu. Cháu ra phường, mà phường lại nói đi chơi thì phải có mẹ theo hoặc người bên nhà vợ đi theo.
Vấn đề này cháu muốn hỏi hội phụ nữ, nếu vậy cháu muốn bế em bé đi chơi riêng không muốn ai quấy rầy, và bế em bé đi được bao lâu, tới mấy giờ, và cháu không muốn phụ cấp cho bên vợ, vì theo cháu, ai nuôi em bé thì đó nuôi, nếu bên vợ cháu nuôi thì cháu để vợ cháu chu cấp hết, và cháu chỉ việc chở em bé đi chơi và cháu lo toàn bộ phần đi chơi, ăn uống, mọi thứ, nếu cháu nuôi thì cháu sẽ tự chu cấp và không cần bên kia chu cấp, và họ có quyền bế em bé đi chơi, vì vợ cháu chỉ nghĩ đến tiền nên cháu không có khả năng mua sắm vàng bạc cho vợ cháu, cháu sống về tình chứ cháu không sống về tiền, riêng vợ cháu sống vì tiền thì cháu không có gì để nói.
Cháu ở bên phường Tam Phú, Q. Thủ Đức, TP. HCM
Vợ cháu sống ở bên P. Linh Tây, Q. Thủ Đức, TP. HCM
Mong hội phụ nữ có thể giải đáp cho chuyện 2 vợ chồng cháu, hiện tại 2 đứa cháu chưa li dị mà đã làm vậy đó, cháu mông hiệp hội giúp cháu, cháu cám ơn rất nhiều, cháu muốn qua thăm em bé mà rất khó lắm ạ, gặ
Trả lời: Chào bạn Huyền Thương. Cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh, với trường hợp của bạn;chúng tôi tư vấn như sau: Do từ nhỏ, bé đã ở với ông bà ngoại và mẹ, cho nên để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ, thì việc Hội LHPN phường giải thích nếu cha đưa đi chơi cần có người thân của mẹ (ông bà ngoại) đi theo là có cơ sở. Hiện nay do vợ chồng bạn chưa ly hôn, việc quyết định con do ai trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc chưa được Tòa án phán quyết nên yêu cầu của bạn là được bế bé gái đi chơi và thời gian bao lâu chưa thể trả lời được. Để được giải đáp thắc mắc rõ hơn, bạn có thể liên hệ với Luật sư Bùi Thị Tuyết Khanh, số điện thoại 0983.422.656 thuộc Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí Thành hội để được tư vấn thêm, bạn nhé!
03/01/2017
Trịnh Thị Mận – Tôi mới tham gia BCH chi hội phụ nữ ở khu phố nên chưa có kinh nghiệm. cho tôi xin hỏi : Hội LHPN VN có điều lệ hoạt động hội , vậy ở cơ sở như chi hội phụ nữ cấp khu phố có nội quy hoặc quy chế hoạt động ko? nội dung như thế nào? xin cho gửi cho tôi xin một mẫu được không ạ. Tôi xi n chân thành cảm ơn .
Trả lời: Chào chị Mận.
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.
Câu hỏi của chị, Hội trả lời như sau:
- Theo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện hành không có quy định chi Hội phụ nữ khu phố, ấp phải có nội quy, quy chế hoạt động. Tuy nhiên, để thống nhất hành động trong hoạt động chi Hội đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, chi hội phụ nữ khu phố, ấp cần xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của chi hội mình (Quy chế được Ban chấp hành chi Hội bàn bạc, thảo luận, thông qua).
- Chị có thể tải file mẫu Quy chế tại http://www.phunu.hochiminhcity.gov.vn/quy-trinh-thu-tuc-thanh-lap-chi-hoi-khu-pho-ap-post800.html chị nhé.
Chúc chị thành công và Ban Chấp hành của chi Hội mình ngày càng phát triển chị nhé.
02/13/2017
Huỳnh Thanh Tuyền – Xin tài liệu, cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền, giáo dục tiền hôn nhân ở đâu?
Tuyên truyền, giáo dục tiền hôn nhân nội dung nào là chủ yếu, trọng tâm?
Trả lời: Chào bạn Thanh Tuyền
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.
Câu hỏi của bạn, Hội trả lời như sau:
Về Tài liệu tuyên truyền, giáo dục tiền hôn nhân: bạn có thể liên hệ tại UBND P/X (bộ phận tư pháp – hộ tịch, Hội LHPN, Trạm y tế, VHTT, LĐTBXH…)
Về nội dung tuyên truyền: Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố xác định nội dung trọng tâm chương trình giáo dục tiền hôn nhân giai đoạn 2017 – 2021 gồm:
1. Các giai đoạn của cuộc sống hôn nhân và giải quyết mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng.
2. Bình đẳng giới trong gia đình: kỹ năng quản lý kinh tế; phân công lao động và tổ chức cuộc sống gia đình.
3. Chế độ Dinh dưỡng trong giai đoạn tiền hôn nhân - Sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.
4. Kiến thức pháp luật tiền hôn nhân.
Bốn nội dung trên, Thành Hội sẽ có tổ chức chương trình tập huấn trong 04 buổi, nếu bạn có điều kiện về thời gian, mời bạn đăng ký và sắp xếp tham dự nha bạn.
Đối với tài liệu thì Hội sẽ gửi đến cho bạn qua địa chỉ email của bạn sau, bạn nhé.
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi.
02/08/2017
Bui Nguyen Bao Dung – Xin kính chào Hội Phụ Nữ,
Tôi là Bùi Nguyễn Bảo Dung, hiện cư ngụ tại Phường Phước Long A Q9, Tp.hcm. Là một thành viên trong gia đình ở vị trí con và chị của các em. Tôi xin được tư vấn về:
- Xử lý và hỗ trợ vấn đề bạo hành tinh thần của người cha ruột tôi trong gia đình đã nhiều năm gây tổn thương tâm lý cho thành viên trong gia đình với mẹ và con cháu.
- Vấn đề gây ồn ào, la hét gây mất trật tự và ảnh hưởng nghỉ ngơi đêm khuya thường xuyên cho hàng xóm và trẻ con, người già trong nhà. Các biện pháp hỗ trợ về chính quyền địa phương để răn đe.
- Các hỗ trợ về sức khỏe tâm thần với đối tượng gây ra và nạn nhân trong gia đình.
Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của quý vị.
Xin cảm ơn
Bùi Nguyễn Bảo Dung
Trả lời: Chào bạn Bảo Dung. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố. Câu hỏi của bạn, Hội xin được giải đáp như sau: Theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình gồm: - Hành vi bạo hành thể xác: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác; - Hành vi bạo hành tình dục: cưỡng ép quan hệ tình dục; - Hành vi bạo hành tinh thần: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây ra những hậu quả nghiêm trọng;- Hành vi bạo hành khác: cưỡng ép thành viên trong gia đình tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của thành viên trong gia đình; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; ... Bạn có thể đối chiếu ba của bạn có những hành vị bạo lực nào trong những hành vi nêu trên, với mỗi hành vi bạo lực nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, nếu hành vi bạo lực chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104); tội hành hạ người khác (Điều 110);… Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý hành vi bạo lực gia đình hiện nay pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, bạn có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân hoặc Công an phường Phước Long A, Quận 9; để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân phường Phước Long A, Quận 9 công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi./.
01/12/2017
nguỹen ngọc thu – Thành Hội cho em được hỏi về quy trình và thủ tục thành lập chi hội phụ nữ trực thuộc Hội LHPN phường? Bao nhiêu hội viên thì thành lập được chi hội?
Em xin trân trọng cám ơn./.
Trả lời: Chào bạn Ngọc Thu. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố. Về câu hỏi của bạn, Hội trả lời như sau: Quy trình và thủ tục thành lập chi Hội Phụ nữ trực thuộc Hội LHPN phường, xã, thị trấn gồm các bước sau: 1/ Hồ sơ đề nghị thành lập Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp). - Công văn đề nghị thành lập Chi Hội. - Danh sách dự kiến nhân sự chỉ định Ban Chấp hành lâm thời (bao gồm cả dự kiến chức danh chủ chốt). - Danh sách hội viên phụ nữ. - Dự thảo Chương trình hoạt động năm của Chi Hội. Hồ sơ làm thành 03 bộ, 01 bộ gửi Cấp ủy địa phương, 01 bộ gửi Hội LHPN phường/xã/thị trấn và 01 bộ lưu giữ. 2/ Quyết định thành lập Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp) Ban Thường vụ Hội LHPN phường/xã/thị trấn trong thời hạn 7 ngày làm việc, căn cứ hồ sơ đề nghị ra các quyết định sau: - Quyết định thành lập Chi Hội. - Quyết định chỉ định Ban Chấp hành lâm thời, các chức danh chủ chốt. - Quyết định công nhận hội viên. 3/ Tổ chức Lễ ra mắt Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp) - Văn nghệ chào mừng (nếu có). - Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. - Phát biểu của Lãnh đạo Hội LHPN phường/xã/thị trấn về kế hoạch, báo cáo quá trình chuẩn bị thành lập. - Công bố Quyết định thành lập Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp)Quyết định chỉ định Ban Chấp hành lâm thời;Quyết định công nhận hội viên; Trao Quyết định thành lập Chi Hội Phụ nữ và chỉ định Ban Chấp hành Chi Hội Phụ nữ lâm thời. - Ra mắt Ban Chấp hành chi Hội Phụ nữ lâm thời. - Đại diện Ban Chấp hành chi Hội Phụ nữ lâm thời phát biểu nhận nhiệm vụ, thông qua dự thảo Quy chế hoạt động, trình bày dự thảo phương hướng hoạt động năm và điều hành thảo luận của hội viên. - Phát biểu của lãnh đạo. - Đại diện Ban Chấp hành chi Hội Phụ nữ lâm thời tiếp thu ý kiến. - Bế mạc buổi Lễ. 4/ Tổ chức các hoạt động và thực hiện các công tác sau Lễ ra mắt Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp). - Ban Chấp hành Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp) có trách nhiệm hoàn chỉnh, ban hành Quy chế hoạt động. - Ban Chấp hành Chi Hội Phụ nữ khu phố (ấp) có trách nhiệm tổ chức Hội nghị bầu Ban Chấp hành chính thức sau 1 năm hoạt động và tùy tình hình đặc điểm từng địa phương. - Tập huấn cán bộ Hội. - Tuyên truyền về Điều lệ Hội, quyền và nghĩa vụ của hội viên. - Tổ chức các hoạt động trong phương hướng, kế hoạch hoạt động năm Chi Hội đề ra. Ngoài ra, theo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ hiện hành thì không quy định cụ thể số lượng hội viên ban đầu để thành lập chi Hội, bạn nhé. Bạn có thể vào trang website của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tải thêm mẫu Quy chế hoạt động Chi Hội Phụ nữ tại http://www.phunu.hochiminhcity.gov.vn/quy-trinh-thu-tuc-thanh-lap-chi-hoi-khu-pho-ap-post800.html. Chúc bạn thành công.