Chi tiết tin

TRỊNH THỊ MỸ LỆ | Vượt khó để khẳng định bản thân và lưu giữ văn hóa Khmer


          Chị TRỊNH THỊ MỸ LỆ, hội viên phụ nữ, Phó Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Chi hội phó Chi hội Văn học nghệ thuật Khmer thuộc Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Thành phố, là tấm gương phụ nữ dân tộc Khmer về ý chí, nghị lực vươn lên, khẳng định bản thân, luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện trong học tập cũng như trong lao động; là người đã và đang góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer.
          Từ một cô bé ở vùng quê, khi đăng ký thi và trúng tuyển Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chị đã cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn về kinh tế, khác biệt môi trường sống, phải vừa học, vừa làm để tự lo việc học và trang trải cuộc sống tại thành phố, đặc biệt là khó khăn trong việc học ngoại ngữ. Lệ cho biết, chị xuất thân trong một gia đình nông dân 3 đời mù chữ - mù cả ngôn ngữ dân tộc mình lẫn tiếng Việt. Nhà nghèo nên từ nhỏ Lệ đã phải lao động cực khổ để phụ giúp ba mẹ lo cho các em. Khoảng 10 năm xa gia đình lên học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, để bớt nhọc nhằn cho ba mẹ, ngoài giờ học, Lệ đi rửa chén thuê ở các quán ăn, phục vụ quán cà phê, lúc rảnh thì ghé chùa phụ lau dọn để được ăn cơm chùa. Lệ chắt chiu từng chút thời gian ít ỏi để tập múa rồi đi biểu diễn, kiếm thêm tiền chi tiêu. 
          Chị luôn ra sức học tập và rèn luyện. Với nghị lực đó, Lệ tốt nghiệp cử nhân Luật Hành chính. Không dừng lại, năm 2018, Lệ tiếp tục học cao học ngành luật song song với văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Là người nhỏ nhất, địa vị xã hội thấp nhất, không có kinh nghiệm chuyên môn nhiều như các anh chị học chung lớp, nhưng với nỗ lực không ngừng, năm 2020, Lệ trở thành thủ khoa của chương trình thạc sĩ luật hành chính và cùng lúc, tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ Anh.


          Với ước mơ lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình từ khi còn là sinh viên, Lệ lân la rồi gắn bó sinh hoạt với các hoạt động văn hóa dân gian ở các chùa Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh để học hỏi và mơ ước giữ gìn vphát triển nền văn hóa đó. Tham gia tập luyện, Lệ đã trở thành một diễn viên múa. Niềm đam mê và tình yêu đối với văn hóa dân tộc, Lệ được tin tưởng bầu làm Chi hội phó chi hội Văn học nghệ thuật Khmer. Trách nhiệm đó buộc chị phải tìm hiểu xem văn hóa dân tộc mình có gì và chị có thể đóng góp ở khía cạnh nào. Biết múa, Mỹ Lệ tiếp tục tìm tòi, học hỏi để dàn dựng, biên đạo các tiết mục múa sao cho bài bản và vận động, tập hợp nhiều sinh viên Khmer tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm giới thiệu, bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào Khmer, góp phần Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
          Tuy nhiên, việc lưu giữ và phát huy văn hóa đã gặp không ít khó khăn, vì các bạn trẻ Khmer cũng đều bận rộn với việc học, việc làm thêm kiếm sống; kinh phí và trang phục cũng thiếu thốn nên mỗi lần diễn là mỗi lần phải thuê mướn… nhưng đó không xem là trở ngại lớn và chị đã từng bước vượt qua. 
          Với những nỗ lực làm việc, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Lệ trở thành biên đạo giỏi trong các điệu múa truyền thống dân tộc khi đạt được rất nhiều giải thưởng ở các chương trình biểu diễn nghệ thuật như Đạt giải Nhì, Ba các tác phẩm văn học nghệ thuật lĩnh vực Biên đạo múa, diễn viên múa, dàn dựng do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tổ chức hàng năm. Bên cạnh đó, Lệ cũng đạt giải Nhất Hội thi tuyên truyền chính sách pháp luật bằng tiếng dân tộc.
          Hiện nay, ngoài công việc Phó chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Lệ còn là phiên dịch, biên dịch tiếng Khmer, diễn viên, biên đạo múa và giáo viên dạy tiếng Khmer. Ngoài việc dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer do TW Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành lập, thời gian rảnh dạy kèm tại nhà cho con em người Khmer đang sinh sống và làm việc tại Thành phố. Mỗi lớp học hàng hàng năm có sỉ số từ 15 - 20 học viên (các lớp theo cấp độ cơ bản và nâng cao), Lệ được phân công phụ trách  điểm dạy tại Chùa Giác Ngộ. 
          Tại địa phương, Lệ còn tham gia Hội LHPN Phường, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện cùng các chị và đóng góp 1 phần kinh phí để chăm lo các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ. Tham gia các nhóm hoạt động từ thiện phát các suất ăn miễn phí tại các gầm cầu và đường phố.
          Vừa qua chị là 1 trong 16 cá nhân được Hội LHPN Thành phố tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2021 - 2023.
Đoan Trang
 
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan