Tên gọi và quá trình phát triển của phong trào
phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ
Sống trong một Thành phố bị thực dân đế quốc thống trị hơn 100 năm, chịu đựng biết bao đau khổ dưới ba tầng áp bức nên ngay từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời 3-2-1930, Phụ nữ Sài Gòn, đã tự nguyện tập hợp dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng.
Vì vậy, thật dễ hiểu, trong những ngày đầu tiên thành lập Đảng, phụ nữ đã sớm có mặt trong những tổ chức tiền thân của Đảng. Bà Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt quê làng Bình Đại, tỉnh Bến Tre cải nam trang, trốn xuống một con tàu đi Hồng Kông, sang Quảng Châu, Trung Quốc tham gia khóa học chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Ở Quảng Châu, bà tham gia làm báo Thanh Niên, phụ trách mục nữ giới, có nhiều bài viết đề cao, thức tỉnh nữ quyền. Sau khi về nước, năm 1927 từ thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, bà đi về các tỉnh Nam Kỳ vận động thành lập Hội phụ nữ giải phóng.
Tại Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ, các hội viên Hội Phụ nữ Giải phóng dưới sự lãnh đạo của Kỳ bộ Nam kỳ đã lao vào phong trào “vô sản hóa” với tất cả lòng nhiệt tình, thể hiện sự ưu tú của những người tiên phong trong những tổ chức tiên phong của Đảng. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Nhỏ rời Bến Tre lên Sài Gòn đi gánh than, gánh hồ, làm công nhân hãng rượu Bình Tây, đi sâu vào giới nữ công nhân để hoạt động cách mạng. Nguyễn Thị Lựu từ bỏ cuộc sống của một tiểu thư khuê các đi cấy với chị em nông dân để tuyên truyền cách mạng. Cô giáo Trần Thị Hân dũng cảm dấn thân làm công nhân hãng dầu Nhà Bè, tổ chức bãi công, đứng diễn thuyết trong cuộc đấu tranh của công nhân bị bọn đế quốc đàn áp đẫm máu....
Từ năm 1930:
Tổ chức Phụ nữ được thành lập và phát triển rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với những tên gọi khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập không chỉ đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Ngay trong lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ thực hiện “Nam nữ bình quyền”. Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo có nhấn mạnh nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng là “Nam nữ bình quyền”. Đảng nhận định một cách sáng suốt về vai trò phụ nữ nước ta trong cách mạng: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu, nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy cho nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng, công tác ấy chính là nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu! . Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã thông qua một nghị quyết riêng về công tác vận động phụ nữ. Từ những tổ chức tiền thân như Phụ nữ Giải phóng, Hiệp Hội Phụ nữ và các tổ nhóm phụ nữ ở các địa phương có cơ sở cách mạng, Đoàn thể phụ nữ bắt đầu phát triển rộng rải trong nước, đặc biệt ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, nhằm mục đích vận động phụ nữ tham gia vào cuộc cách mạng của công nông. Đó cũng là con đường cốt yếu để giải phóng phụ nữ.
Kế thừa truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời; phát huy sự năng động, sáng tạo trong hoàn cảnh đặc thù của Nam bộ; được tập họp, chuẩn bị trong các phong trào yêu nước thập niên 1920, có được đường lối đấu tranh để hướng tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Phụ nữ Sài Gòn- Chợ Lớn -Gia Định với đức tính đảm đang, trung hậu, cần cù, sáng tạo đã góp phần cùng nhân dân viết nên những trang sử anh hùng. Những người phụ nữ bị trói buộc dưới nhiều tầng áp bức đã vùng lên, tự cởi trói mình, quyết giành lấy độc lập lự do cho đất nước. Từ khát vọng ấy, họ đã dũng cảm tiến lên phía trước, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống thuế, đòi dân chủ, dân sinh…
Những trang sử đầu thập niên 1930 của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ghi đậm tên tuổi của những người phụ nữ tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng. Đó là bà Trần Thị Nhỏ, Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn. Bà đã về Đức Hòa xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo nhân dân Đức Hòa đứng lên chống thuế. Quê hương Hóc Môn 18 thôn vườn trầu đẹp hơn biết bao khi có những người phụ nữ trung kiên, đã nuôi giấu, canh gác, làm giao liên, liên lạc cho Trung ương, Xứ ủy ngay từ những ngày đầu Đảng thành lập như bà Nguyễn Thị Giả (Tư Giả). Thật đáng trân trọng sự đóng góp thầm lặng của người phụ nữ ngoại thành với cái tên mộc mạc: chị Tư Vẻn. Người phụ nữ ấy đã biết giấu tài liệu dưới làn áo bầu, giả làm người đi sinh con qua mặt kẻ địch, bảo vệ sự an toàn cho các đồng chí Trung ương Đảng. Bà Nguyễn Thị Thập trong những ngày lên Sài Gòn hoạt động, vừa đi “vô sản hóa”, vừa tham gia công tác giao liên, nối liên lạc từ Xứ ủy Nam Kỳ ra nước ngoài. Bà Thập phải đóng đủ thứ vai để che mắt địch, khi len lỏi trong xóm lao động Bàn Cờ - nơi mà vào thời điểm ấy là địa bàn dành cho những thành phần thấp kém trong xã hội - thậm chí sống trong ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp của người bán cá rong bị bệnh cùi; khi tha thướt trong bộ quần áo dài xuống tàu từ lộ trình Singapore về cảng Nhà Rồng, liên lạc với tổ chức “Ủy ban cứu tế đỏ”, không quên mang theo chiếc giỏ chất đầy hoa quả, thuốc lá tặng cho thủy thủ, để khi lên bờ, chiếc giỏ của người đàn bà sang trọng ấy đầy ắp những tài liệu, sách báo bí mật, chỉ thị từ nước ngoài gởi về... Chính những người phụ nữ tiên phong này đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong cao trào 1930-1931 của Sài Gòn--Chợ Lớn-Gia Định. Năm 1930, có cuộc bãi công của công nhân nam nữ làm đường ở đường Catinat (Đồng Khởi) và đường dEspagne (Lê Thánh Tôn) ngày 4/4; cuộc bãi công của 300 công nhân xe lửa Dĩ An ngày 16/3; cuộc bãi công của 500 nam nữ công nhân hãng dầu Nhà Bè 16/3; cuộc bãi công của nam nữ công nhân Ba Son 21/4; cuộc đấu tranh oanh liệt của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng với 300 phụ nữ đi đầu; cuộc biểu tình lớn chống thuế ở Đức Hòa ngày 4/5 do đồng chí Châu Văn Liêm-Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn lãnh đạo đã tập họp hàng ngàn nông dân kéo lên dinh quận đòi các quyền lợi thiết thân. Cuộc biểu tình đổi bằng giá máu, Châu Văn Liêm hy sinh nhưng những phụ nữ tiên phong đã không nao núng. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Điếc) với vai trò Phó Bí thư thay Châu Văn Liêm nhanh chóng ổn định tình hình và lãnh đạo quần chúng chống địch khủng bố. Ngày 4.6.1930, 5.000 người đã tham gia cuộc đấu tranh liên quận Gò Vấp-Hóc Môn. Cũng trong ngày 4.6.1930, cuộc biểu tình Bà Hom có đông đảo phụ nữ tham gia làm chấn động cả Nam Kỳ. Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình. Bị sa vào tay giặc, trước phiên tòa, bà Nguyễn Thị Nhỏ đã đứng lên đanh thép lên án tội ác bọn Pháp ở thuộc địa và dõng dạc tuyên bố: “Yêu nước không phải là có tội, như các ông người Pháp đã từng yêu nước Pháp”.
Từ năm 1930-1935: Hiệp hội phụ nữ.
Trong thời kỳ này, phụ nữ tập họp vào những hiệp hội, sử dụng tối đa khả năng đấu tranh công khai hợp pháp. Từ năm 1930, phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn -Gia Định đã có nhiều cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp với chính quyền thuộc địa. Trước sự khủng bố tàn khốc của địch trong cao trào chống thuế 1930-1931, dù nhiều đồng chí lãnh đạo hy sinh, bị bắt vào tù nhưng Đảng Cộng Sản nhờ liên hệ chặt chẻ với quần chúng vẫn bám được vào dân, giữ gìn lực lượng, đổi phương thức hoạt động. Các nữ cán bộ, đảng viên đã tìm cách len lỏi vào các cơ sở đông công nhân nữ, tổ chức các hội công khai hợp pháp như hội thêu may, hội xe đạp...; tiến hành nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi, với các khẩu hiệu “Tăng tiền lương, giảm giờ làm, không thải thợ...”. Những cuộc đấu tranh này được đông đảo chị em nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 21.4.1932, nổ ra cuộc đấu tranh của 500 nữ công nhân, làm cho 12 hãng dệt khăn bông phải ngừng hoạt động. Ngày 11.12.1932, nhiều cuộc bãi công của của công nhân các nhà in đã nổ ra; đặc biệt là cuộc đấu tranh thắng lợi của 500 công nhân hãng dầu Tếch-xa-cô ở Phú Xuân (Nhà Bè) do bà Nguyễn Thị Thập lãnh đạo, được tạp chí Búa Liềm của Đảng đưa tin. Năm 1933, chị em bạn hàng chợ Bến Thành 2 lần bãi thị, chống tăng tiền chỗ. Các chợ Đa Kao, Bà Chiểu, Chợ Lớn... đều có bãi thị. Đấu tranh công khai, hợp pháp khi điều kiện cho phép là một nét đặc thù của các đô thị, nhất là ở Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền thuộc địa.
Đại hội Đảng lần thứ nhất (3.1935) đã đánh giá: “Cờ vận động dân tộc và xã hội giải phóng xuất hiện thì có phụ nữ tham gia cách mạng. Thời kỳ cách mạng vận động cao nhất của phụ nữ lao động là năm 1930-1931. Trong hai năm ấy, không có cuộc bãi công nào mà không có phụ nữ tham gia. Có lúc phụ nữ dẫn đạo các cuộc tranh đấu, có nơi đã tổ chức những cuộc biểu tình, bãi công hoàn toàn bao gồm đàn bà… Những chứng cứ đó biểu tỏ rằng bộ phận phụ nữ lao động Đông Dương đã có giai cấp giác ngộ, rằng phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất lớn mà Đảng cộng sản hết sức chú ý tổ chức và chỉ đạo”. Từ nhận định đó, nghị quyết đã chỉ rõ: “Mỗi Đảng bộ phải thuyết phục tổ chức cho được phụ nữ vào Đảng, vào Thanh niên Cộng sản Đoàn và các đoàn thể cách mạng, cần đem các phần tử nữ hăng hái vào các cơ quan chỉ đạo”
Về thời kỳ đấu tranh này của phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định có thể được đúc kết như trong báo cáo của nữ chiến sĩ Quốc tế cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (lúc đó mang bí danh Phan Thị Lan) trên diễn đàn Đại hội quốc tế cộng sản tại Mátxcơva ngày 16.8.1935: “Tôi cần phải nói rằng ở Đông Dương chúng tôi, đặc biệt trong thời kỳ cao trào cách mạng, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào công cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham dự các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc, đã diễn thuyết trong các cuộc mít-tinh. Cần phải nhấn mạnh thêm nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và buộc binh lính phải thối lui, phải đồng tình.
Thời gian gần đây, tính tích cực của phụ nữ đang phát triển. Họ tham gia các cuộc bãi công của thợ thuyền và đấu tranh của dân cày. Nữ công nhân và nữ dân nghèo thành thị đang say sưa đấu tranh...”.
Từ năm 1936-1939: Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ phản đế, Hội Phụ nữ tân tiến ra đời ...
Hội nghị BCH trung ương Đảng lần thứ nhất vào ngày 26.7.1936 tại Thượng Hải quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp” và “tịch thu ruộng đất cho dân cày” mà chuyển hướng, lập “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, cùng đứng trong Mặt trận dân chủ và hòa bình thế giới chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh của phát-xít xâm lược. Nhằm tập họp phụ nữ vào mặt trận phản đế sâu rộng, công tác phụ vận được Đảng đặc biệt quan tâm. Cuối tháng 9.1937, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về công tác phụ vận: “…Phải tùy theo hoàn cảnh mà tổ chức Hội phụ nữ tân tiến, phụ nữ thể dục, Hội những người mẹ chống chiến tranh, Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội ca hát, vệ sinh trẻ con, trường nữ công… không phải theo một thứ tự tên mà lấy nhiều tên khác nhau, miễn có cái giống nhau là giác ngộ phụ nữ chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, huấn luyện chị em có ý thức đòi nam nữ bình quyền.
Không câu nệ hình thức tổ chức, miễn hoạt động được công khai, rộng khắp, miễn bao gồm được nhiều chị em nhất, nghĩa là thực sự mạnh”
Đó là thời kỳ diễn ra sôi động các cuộc biểu tình, đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Sài Gòn, cửa ngõ của một thành phố năng động, nhanh chóng nhận được tin tức dồn dập của phong trào chống chiến tranh, đòi dân sinh, dân chủ. Ngày 13.8.1936 tại rạp hát Thành Xương, lần đầu tiên trước 400 con người, một phụ nữ thành phố đã mạnh dạn nói lên nguyện vọng của giới mình: “Phụ nữ chúng tôi chiếm hơn phân nửa dân số, mà lại là những người bị áp bức bóc lột nhất. Nào là thập nữ viết vô, nào là tam tòng tứ đức, nội trợ tề gia, cử án ngang mày v.v... Đã cùng chung số phận người dân mất nước còn bị nam giới xem thường. Chị em ta nên noi gương Bà Trưng, Bà Triệu, phá xiềng xích nô lệ, đoàn kết đòi tự do, bình đẳng với nam giới, chung lưng chống phong kiến thực dân, tiến theo phụ nữ thế giới”.
Ngày 13.8.1936, trước sự hưởng ứng nhiệt liệt của đồng bào thành phố, Ủy ban trù bị Đông dương đại hội ra đời, trong đó có nữ đảng viên Nguyễn Thị Lựu và Nguyễn Thị Kim-biên tập viên báo Phụ Nữ Tân Văn; các chị Trần Thị Đầy, Nguyễn Thị Lương, Mai Huỳnh Hoa tham gia tiểu ban tuyên truyền. Chỉ trong thời gian ngắn, miền Nam đã xuất hiện 600 Ủy ban hành động, riêng thành phố đã có 70 Ủy ban.
Hoảng sợ trước làn sóng đấu tranh dâng cao của phong trào Đông Dương đại hội, ngày 16.3.1936, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đàn áp, cho giải tán các Uy ban hành động, bắt giam nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, đóng cửa báo Dân Chúng, sa thải những thợ thuyền, viên chức tham gia phong trào Đông Dương đại hội...Khi phong trào lên cao cho đến khi bị đàn áp, phụ nữ vẫn có cách hoạt động riêng của mình bằng các cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, cải thiện đời sống công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, với các khẩu hiệu tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do báo chí, bỏ thuế thân, thả tù chính trị... Phụ nữ có yêu cầu đặc biệt của giới mà lần đầu tiên được nêu lên làm khẩu hiệu đấu tranh “Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau”; “Cấm bắt phụ nữ làm ca đêm, làm việc nặng có hại đến sinh đẻ”; “Trợ cấp khi sinh đẻ”. Ngày 1.1.1937, dưới danh nghĩa đón J.Gô-đa, phái viên chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, 20.000 quần chúng lao động tiến về Bến Nhà Rồng. Khắp Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, nhiều đoàn người do phụ nữ cầm đầu rầm rộ kéo đi từ khuya, đội ngũ chỉnh tề. Dù bị bọn cảnh sát chặn đường bắt đi một số người, hơn 5.000 quần chúng vẫn lọt được vào cảng. Khi ông bà Gô-đa xuống tàu, lập tức hàng chục tấm băng giấu trong áo người biểu tình được trương lên với các khẩu hiệu “Hoan nghênh Mặt trận nhân dân”; “Tự do lập Hội”; “Thi hành luật lao động”; “Đại xá chính trị phạm”. Cảnh sát nhảy vào giựt băng, cho đội nhạc thổi kèn, trống nhưng vẫn không át được tiếng hô vang như sóng trào của quần chúng. Liền những ngày sau đó, Gô-đa buộc phải tiếp xúc với các đoàn đại biểu thợ thuyền, trong đó có nhiều anh chị đang đình công. Nhiều đại biểu nữ công nhân đã trực tiếp đưa bản yêu sách đã chuẩn bị sẵn. Hai tuần sau, cuộc “đón tiếp” toàn quyền Brê-vi-ê của nhân dân thành phố còn rầm rộ hơn, bằng cuộc tuần hành từ cột cờ Thủ Ngữ đến chợ Bến Thành, đông đảo phụ nữ tham gia. Bọn cảnh sát được lệnh ngăn cản, giải tán, nhiều ngươi bị thương. Trong hai cuộc “tập dợt”, chị em đã phải đương đầu với báng súng, dùi cui, trại giam nhưng vẫn không lùi bước.
Cuối năm 1937, nhóm Le Peuple (Dân chúng) chuẩn bị một cuộc mít-tinh “thảo tập dân nguyện” để hâm nóng phong trào. Cuộc mít-tinh huy động không chỉ nhân dân thành phố, ven đô mà còn có đại biểu bà con lục tỉnh. Ngày 28.11.1937, hơn 30.000 người đã dự mít-tinh tại rạp Thành Xương, nhiều diễn giả phụ nữ đăng đàn diễn thuyết. Thực dân Pháp tìm cách phá hoại, bị phát hiện, bị quần chúng đuổi ra ngoài. Đến mục phát biểu tự do, câu nói mộc mạc của chị Hai Sóc gây ấn tượng rất mạnh mẽ: “Bọn đế quốc là quân chó đẻ”. Người phụ nữ ấy đã biến cuộc mít-tinh thành phiên tòa công khai kết tội thực dân Pháp, thể hiện tính cách dũng cảm, trực tính, không sợ bạo quyền của người dân Sài Gòn.
Năm 1938, lần đầu tiên ở Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Đối với nhân dân thành phố Sài Gòn, đó là thắng lợi lớn, kết quả của 10 năm đấu tranh quyết liệt, từ khi Công hội đỏ ra đời. Ngày 1.5.1938, hàng ngàn công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, phụ nữ, thanh niên Việt Nam, lẫn công nhân Pháp tham gia cuộc mít-tinh công khai tại rạp Đội Có (Phú Nhuận), do Ban công đoàn của ta tổ chức. Nghệ sĩ cải lương Năm Phỉ thay mặt cho giới nghệ sĩ và hội ái hữu cải lương gây ấn tượng mạnh mẽ trên diễn đàn bằng lời kêu gọi đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn, áo cơm, dân chủ. Từ 1936-1939, hãng cơ khí Ba Son liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh của nam nữ công nhân. Nhiều hãng xưởng buộc trả tiền công cho phụ nữ bằng nam giới. 500 nữ công nhân từ độ tuổi 15-20 hãng thuốc lá Cotab bãi công đòi tăng lương, bớt giờ làm theo đúng luật lao động., Năm 1938 ở Hóc Môn, các nữ nông dân dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Nuôi (Năm Nuôi), Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Thử, chị Tỉnh, Mừng cùng chị Bảy Củ Cải đoàn kết với chị em tiểu thương, đấu tranh thắng lợi chống tăng tiền chỗ và tăng thuế nông sản của bà con nông dân...
Cùng với cuộc họp sôi nổi của các ủy ban hành động, chưa bao giờ sách báo tiến bộ được truyền bá công khai như thời kỳ này. Đặc biệt, giới nữ bắt đầu nhận thức sách báo không chỉ đễ đọc giải trí mà còn là món ăn tinh thần, là vũ khí đấu tranh. Ở các hiệp hội nghề nghiệp hình thành những nhóm đọc báo, chị em góp tiền mua báo, ủng hộ những tờ báo tiến bộ như Le Peuple, Lao động, Dân Chúng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh (Ba bầu), bà Hai Sóc, bà Nguyễn Thị Một (Một Nho), bà Nguyễn An Ninh và nhiều cán bộ phụ nữ đã huy động lực lượng quần chúng ủng hộ tài chính cho báo, vận động quần chúng mua báo dài hạn. Không chỉ ủng hộ vật chất, chị em còn tham gia phát hành, đưa báo đi tới từng thôn ấp, xóm lao động, trường học, xí nghiệp mà còn xuống khắp lục tỉnh. Khi thực dân Pháp tìm mọi cách gây khó khăn cho tờ báo, phụ nữ tham gia vận động 28 cuộc mít-tinh để phản đối nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do báo chí. Với vai trò Bí thư Thành ủy, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã viết nhiều bài báo nói lên quan niệm của Đảng về vấn đề giải phóng phụ nữ trên báo Dân Chúng...
Ngoài địa bàn Hóc Môn- Bà Điểm, chị Minh Khai đã gắn bó rất mật thiết với hai tỉnh Tân An- Chợ Lớn để hoạt động. Về nước từ năm 1936, chị lao vào phong trào cách mạng, luôn phải cải trang giữ bí mật, bám sát các cơ sở. Để che mắt địch, các chị có lúc phải đóng vai làm “vợ bé” các gia đình cơ sở. Bà Hai Sóc, tuy công khai lo tài chính cho báo nhưng là liên lạc viên Xứ ủy Nam Kỳ. Tiệm bán vải Phước Hưng của bà Ba Bầu là nơi lui tới hoạt động của nhiều lãnh đạo Đảng. Bà Hai, vợ ông Dương Bạch Mai trong dáng vẻ một tư sản thường tự lái xe chở truyền đơn, tài liệu, chở cả Bí thư thành ủy Sài Gòn cải trang làm chị vú điềm nhiên đi giữa đường phố Sài Gòn. Những người mẹ, người chị 18 thôn vườn trầu như bà Hai Sóc, Tư Vẻn, Chín Miếng... là những liên lạc viên tháo vát, tài giỏi của Xứ ủy Nam Kỳ. Các cơ sở cách mạng ở Hóc Môn đã giữ bí mật triệt để cho các hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4,5,6.
Đặc biệt, phong trào ái hữu sôi nổi, rầm rộ trong các năm 1937-1938, thu hút hàng vạn hội viên, trong đó có những ái hữu đông phụ nữ hoặc toàn phụ nữ như thợ may, thợ thêu, thợ dệt, nữ công gia chánh, chợ, sân khấu cải lương...Ái hữu không chỉ phát triển ở nội thành mà còn ở nông thôn. Ngoài những vạn cấy, hội gặt, hội hiếu hỹ đã có sẵn nay còn có thêm hội tương tế, ái hữu, hội âm công, nhà vàng...
Từ Ủy ban hành động đến hội ái hữu đã tích lũy vốn cho phong trào thành phố, đào tạo cho chị em nòng cốt từng bước đi sâu sát quần chúng, vận động quần chúng cùng làm với mình và trở thành những cán bộ của quần chúng. Đây là cuộc tập hợp và “thức tỉnh” quần chúng, là tiền đề cho giới phụ nữ bước vào cao trào cách mạng mạnh mẽ, rộng lớn hơn, trong những thời kỳ lịch sử tiếp theo của dân tộc.
Năm 1939: Hội phụ nữ phản đế.
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, khả năng hoạt động hợp pháp của các phong trào không còn nữa. Trung ương Đảng chỉ thị cho các cơ quan, cán bộ rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thất nghiệp tràn lan, nguyên vật liệu bị “mẫu quốc” vơ vét cùng kiệt, hàng vạn thanh niên Việt Nam bị bắt lính sang giữ biên giới Cao Miên chống quân Xiêm.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11.1939, tại Tân Thới Nhứt- Bà Điểm chủ trương thành lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương” thay cho “Mặt trận dân chủ Đông Dương”; đưa ra khẩu hiệu lập “Chính phủ liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương” thay cho chính phủ “Xô viết công-nông” đã đề ra năm 1930. Tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, được sự chỉ đạo của Xứ ủy, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Khi Mặt trận dân tộc phản đế được thành lập, các tổ chức đoàn thể như Công hội, Nông hội, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế phát triển đều khắp. Hội Phụ nữ phản đế tham gia đông đảo vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Suốt trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, phụ nữ phản đế đều có mặt quanh những “xã pháo đài cộng sản”. Hóc Môn, Bà Điểm, Bà Hom, Đức Hòa, Nhà Bè, Chợ Đệm, Cần Giuộc làm thành “vành đai đỏ” bao quanh Sài Gòn. Đêm 22.11.1940, kế hoạch khởi nghĩa ở nội thành không thành nhưng ở những vành đai đỏ ngoại thành Sài Gòn, khí thế khởi nghĩa của quần chúng vẫn bùng lên mãnh liệt. Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ ghi đậm tên tuổi của những người phụ nữ trung kiên. Đó là Bí thư thành ủy Nguyễn Thị Minh Khai bị địch kết án tử hình. Chị Nguyễn Thị Bảy-Tỉnh ủy viên tỉnh Chợ Lớn bị địch bắt, vẫn giữ khí tiết đến phút cuối cùng ra trường bắn, khiến địch khiếp sợ gọi chị là Hoàng hậu đỏ. Bà Nguyễn Thị Thử từng tham gia đấu tranh trong phong trào 1936-1939 bị địch bắt, đem xử bắn, đạn trúng vào ngực còn can trường nói: “Thử này chết, sẽ còn trăm ngàn Thử khác”...
Ngày 16.6.1941: Đoàn Phụ nữ Cứu Quốc được thành lập.
Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bị đàn áp đẩm máu. Các cơ sở Đảng tan rả, hầu hết đảng viên đều bị bắt. Số còn lại phải trốn đi nơi khác, chờ dịp đi tìm các đồng chí để gây dựng lại cơ sở cách mạng. Chính trong những ngày thoái trào, phát huy những ưu điểm của giới, chính phụ nữ là nhân tố nhận lấy sứ mạng bám lại địa bàn, duy trì hoạt động và tiếp tục nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lăng Đông Dương. Bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa Việt Nam rước quân Nhật. Từ đó, nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng Pháp và Nhật.
Trước diễn biến tình hình trong nước và thế giới, nhiệm vụ cứu nước trở nên vô cùng cấp bách. Nhằm tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc vào mục tiêu “cứu quốc”, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Lực lượng gia nhập Việt Minh, ngoài các đoàn thể cứu quốc có tính chất chính trị, cách mạng rõ rệt như Hội Nông dân cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đoàn phụ nữ cứu quốc… còn có những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai, bán công khai như Hội cứu tế thất nghiệp, hội tương tế, hội hiếu hỉ, phường bạn, nhóm học Quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo… nhằm đưa quần chúng từng bước đi lên các tổ chức cứu quốc.
Ngày 16.6.1941, Đoàn phụ nữ cứu quốc được thành lập, tập hợp và đoàn kết các lực lượng phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, kêu gọi phụ nữ Việt Nam tham gia đánh đuổi Nhật- Pháp. Bước sang năm 1942, những cánh én báo tin xuân của phong trào cách mạng đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời thành phố. Bà Trương Thị Sáu- vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, năm1942-1943 đã cùng bà Ba Bầu, những người cũ của phong trào yêu nước đứng ra tổ chức gánh hát Kim Chung và gánh Kim Khánh lấy tiền giúp các đoàn thể cách mạng hoạt động.
Lòng yêu nước tiềm ẩn trong lòng phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định cùng toàn dân được khơi dậy bằng hai chữ “cứu quốc” thiêng liêng. Khi có thời cơ, cán bộ tới tiếp xúc, vận động là chị em nô nức gia nhập đoàn thể Phụ nữ Cứu Quốc. Vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, quân Nhật đã vấp phải thái độ phản kháng của nhân dân thành phố. Anh chị em bến cảng đấu tranh phản đối sự bạo ngược của quân Nhật, đòi trả lương đúng kỳ hạn. Vào cuối năm 1944-1945, nhiều cơ sở đông nữ như hãng thuốc lá MIC do bà Nguyễn Thị Thìn (Sáu Vân) làm nòng cốt, đã tập họp anh chị em vào tổ chức, chờ thời cơ hành động. Bà Thái Thị Sen thành lập công hội ngành giày da ở khu vực trường đua Phú Thọ. Vùng ven đô cũng phục hồi được cơ sở. Quần chúng được tập họp dưới ngọn cờ cứu quốc đang sẵn sàng làm nên cơn bão táp cách mạng, quét sạch bọn cướp nước và bè lũ tay sai...
Năm 1945: Hội Phụ nữ Tiền Phong.
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chánh Pháp. Xác định kẻ thù trực tiếp của dân tộc lúc này là phát xít Nhật, Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương vận động một phong trào công khai rộng lớn để nhanh chóng tập họp các lực lượng yêu nước, nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Tổ chức Thanh niên Tiền Phong ra đời do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lãnh, chỉ trong vòng 2 tháng vận động đã thu hút 200.000 người, và lan nhanh ra các tỉnh Nam Kỳ, thu hút hàng triệu ngươi tham gia. Phong trào Thanh Niên Tiền Phong lan rộng về tận các làng với khí thế bừng bừng. Chị em nữ thanh niên học sinh, công chức tham gia dạy các lớp truyền bá Quốc ngữ. Đến tháng 7, phần lớn giới phụ nữ ở nội thành gia nhập tổ chức Phụ nữ Tiền phong, tham gia các lớp cứu thương do nữ sinh viên y khoa Nguyễn Thị Lợi phụ trách. Ở tỉnh Chợ Lớn, Phụ nữ Tiền Phong hoạt động sôi nổi ở Chợ Đệm rồi lan ra các xã ở Trung Quận, do cô giáo Nguyễn Ngọc Phượng phụ trách. Vào những tháng giữa năm 1945, Phụ nữ Tiền phong góp phần đắc lực vào những công việc như đi quyên gạo, quyên tiền bằng những cuộc diễn thuyết, những đêm biểu diễn văn nghệ lấy tiền giúp đồng bào miền bắc đang lâm vào nạn đói và tổ chức các đoàn xe chở gạo ra miền bắc cứu đói; chống dịch tả đang hoành hành; phối hợp cùng các đoàn thể nhân dân tổ chức cứu trợ đồng bào bị máy bay Mỹ ném bom, đào bới lấy xác, cứu người còn sống, băng bó cho người bị thương...
Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, gần 100 chị em nữ tù đã vượt ngục trở về, tăng cường cho sự lãnh đạo của địa phương. Thực hiện chủ trương mới, Phụ nữ Tiền Phong và Phụ nữ Giải phóng thống nhất thành Phụ nữ Cứu Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, Phụ nữ Cứu Quốc đã được tổ chức ở 40 xã rải rác khắp 5 huyện của tỉnh Gia Định...
Hoạt động sôi nổi của phong trào Thanh niên Tiền Phong hun đúc tinh thần yêu nước, thôi thúc mọi người đứng lên hành động giành độc lập cho dân tộc. Ngày 19.8.1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành được thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội. Ngày 25.8.1945, toàn bộ chính quyền Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã về tay Việt Minh.
Ngày 20.10.1946: Để thống nhất các tổ chức phụ nữ thành một tổ chức chính trị duy nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập và gia nhập vào vào Liên Đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.
Trong bối cảnh giặc ngoài thù trong sau Cách mạng tháng Tám, phụ nữ thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định vốn chịu thương, chịu khó, vơi tấm lòng yêu nước, trung kiên với cách mạng, luôn sẵn sàng ủng hộ nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến.
Ngày 20.10.1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, và Đoàn Phụ nữ cứu quốc là nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sự kiện thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã mở rộng mặt trận đoàn kết phụ nữ, khẳng định vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội ta. Lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được quyền ứng cử, cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có 10/403 phụ nữ nằm trong Quốc hội làm nức lòng giới phụ nữ Việt Nam.
Khi trở thành một thành viên của Liên Đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới, Liên đoàn và những tổ chức phụ nữ các nước xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa và nhịp cầu giúp phụ nữ Việt Nam quan hệ với những tổ chức phụ nữ trên thế giới; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và giải phóng phụ nữ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, góp phần động viên tinh thần nhân dân, có tác dụng làm cho đồng bào ta thấy rằng Việt Nam chiến đấu gian lao mà không đơn độc
Năm 1950: Đoàn Phụ nữ Cứu Quốc hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cuối năm 1949, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong cả nước, Đảng chủ trương thống nhất các lực lượng phụ nữ kháng chiến thành một khối thống nhất. Trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 5.1950, Đoàn phụ nữ Cứu Quốc đã hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ, với hơn 3 triệu hội viên.
Tại Đại hội phụ nữ Nam bộ, năm 1950 tại Rạch Ruộng, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá; bà Nguyễn Thị Thập được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ.
Ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, 8 tổ chức phụ nữ gồm Đoàn phụ nữ Cứu Quốc, Hội phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ xã hội, Phụ nữ dân chủ, Phụ nữ công thương, Phụ nữ lao động, Phụ nữ Phật giáo, Phụ nữ trí thức được Ban phụ vận Thành ủy do bà Ngô Thị Huệ làm trưởng ban đã tập họp vào tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là thành viên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Đó là một bước tiến bộ rất lớn về mặt tổ chức của công tác phụ vận, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ dốc sức vào cuộc kháng chiến kiến quốc.
Năm 1955: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở miền nam rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 20.7.1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước, lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Mỹ Diệm vi phạm trắng trợn Hiệp định Genève, đàn áp người kháng chiến cũ, phá vỡ hiệp thương tổng tuyển cử. Sự lãnh đạo của Đảng sau 1954 chuyển hướng vào hoạt động hoàn toàn bí mật để bảo tồn lực lượng. Đoàn thể phụ nữ cũng như các đoàn thể quần chúng khác đều tự giải tán, chuyển sang tổ chức quần chúng theo chuỗi rễ nòng cốt. Một số cán bộ phụ nữ được bố trí nhằm hoạt động hợp pháp, tạo thế sinh sống công khai, chuyển vùng công tác. Ở các vùng ngoại thành và nông thôn, cán bộ hội viên cũ chuyển thành các tổ chức như Hội chùa, Hội Miếu, nhóm nữ công, bình dân học vụ, văn hóa, văn nghệ, tủ thuốc Nam, tổ cứu tế, thăm đau, đỡ đẻ, nuôi đẻ, vần công đổi công... Sự gắn bó bằng các nghề nghiệp hợp pháp này khiến cán bộ hội phụ nữ gắn bó mật thiết với quyền lợi tinh thần vật chất của phụ nữ và đồng bào, qua đó tuyên truyền, giáo dục lãnh đạo chị em chống địch và bảo vệ cơ sở cách mạng.
Ở đô thị, đông đảo phụ nữ được tập họp vào tổ chức Hội phụ nữ Việt Nam và các nghiệp đoàn. Đầu năm 1955, khu ủy Sài Gòn-Gia Định thành lập ban phụ vận do bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) làm trưởng ban, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ thành phố đấu tranh đòi đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đồng thời bảo vệ những quyền dân sinh dân chủ cho phụ nữ các giới. Hội phụ nữ Việt Nam hoạt động công khai hợp pháp tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, dưới sự chỉ đạo của Ban phụ vận. Trong những ngày đen tối đẫm máu ấy, phong trào phụ nữ ở thành phố Sài Gòn- trung tâm chính trị của toàn miền Nam đã diễn ra vô cùng linh hoạt và quyết liệt.
Đó là sự tham gia của phụ nữ trong phong trào Hòa bình Sài Gòn, lãnh đạo phong trào là những nhà trí thức có uy tín, phong trào thành lập những ủy ban đòi hòa bình ở các cơ sở, xí nghiệp, trường học, khu phố. Các ủy ban đều có phụ nữ tham gia như liên lạc với Ủy ban quốc tế quốc tế kiểm soát và giám sát, lấy chữ ký; bất chấp sự đàn áp của địch. Cho đến ngày cuối cùng tập kết chuyển quân, bà Đỗ Duy Liên và Nguyễn Thị Lựu còn mang đến Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Phạm Hùng hàng vạn chữ ký của nhân dân. Phụ nữ còn cử ra đại diện đi thăm hỏi tù binh và chính trị, dự các cuộc trao trả tù binh, can thiệp với Ủy ban quốc tế đòi các nhà chức trách Liên hiệp Pháp phải thả những thành viên của phong trào mà họ còn giam giữ như giáo sư Phạm Huy Thông, Từ Bá Đước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưỡng...
Các chị em hoạt động công khai hợp pháp còn được cử vào ban chấp hành “Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam” như bà Nguyễn Thị Tú, bà Phạm Thị Lạng, nữ sĩ Ái Lan... nhằm ủng hộ phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève.
Hội phụ nữ Việt Nam công khai ở Sài Gòn do bà Bút Trà làm hội trưởng phát triển nhiều cơ sở, lập nhà trẻ mồ côi, thăm chị em tù, tổ chức lễ kỷ niệm Hai bà Trưng...
Sau khi Diệm triệt phá phong trào bảo vệ hòa bình, Phụ nữ Sài Gòn phát huy khả năng hoạt động hợp pháp, chuyển sang hoạt động cứu tế và bảo vệ sinh mạng, tài sản nhân dân. Trong cuộc Diệm sát phạt Bình Xuyên, hàng vạn ngôi nhà của nhân dân giữa khu Sài Gòn-Chợ Lớn bị pháhủy, cháy rụi. Trên 30.000 người, trong đó có đông đảo phụ nữ tham gia “Ngày lao động cứu trợ đồng bào”, làm thành phong trào rầm rộ, kéo dài trên 2 tháng, thu hút từ chị em trí thức đến tiểu thương, đồng bào lao động, học sinh, nghiệp đoàn ký giả tham gia cứu trợ, vừa hỗ trợ nạn nhân giành lại nền nhà cũ, phá bỏ âm mưu của một số tư sản thân Diệm nhân dịp này định cướp nền nhà dân xây phố cho mướn.
Hơn 70% nhân dân thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đã đình công, bãi thị, biểu dương ý chí thống nhất đất nước. Để trả thù phong trào, địch bắt đi Nguyễn Thị Diệu, giáo viên trường Đức Trí đang mang thai 4 tháng. Đêm 10.7.1955, địch tra tấn chị đến chết rồi lấy dây thắt cổ, quăng xác chị vào vườn cao su Thủ Đức thủ tiêu dấu vết.
Trong những ngày đen tối ấy, chính nơi trung tâm quyền lực Mỹ Diệm ở miền Nam, các cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, trong đó phần lớn là lực lượng phụ nữ luôn diễn ra. Ngày 7.12.1954, trên 25.000 nam nữ công nhân trong các hãng nhà binh Pháp đòi tăng 20% lương, đòi giảm giá sinh hoạt, đòi thi hành Hiệp định Genève. Bất chấp sự đàn áp của địch, phong trào đấu tranh vẫn lên cao. Ngày 1.5.1955, 500.000 dân Sài Gòn biểu tình tuần hành đòi hòa bình, thống nhất đất nước. Tiếp theo là hàng trăm cuộc đấu tranh khác của công nhân thành phố...
Bãi thị là hình thức đấu tranh truyền thống và độc đáo của phụ nữ. Suốt 3 năm, từ 1955 đến 1957, bãi thị là hình thức đấu tranh phổ biến không chỉ của phụ nữ thành phố mà cả phụ nữ nông thôn. Ngày 1.5.1958, 350 đại biểu của 50 chợ vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định họp hội nghị thành lập “Nghiệp đoàn mua bán”, lập yêu sách 14 điểm đòi bãi bỏ trung gian bóc lột, bỏ thuế khoán bạn hàng rong, sửa chợ đã cũ hư, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống công nhân, nông dân để tăng sức mua. Chị em kéo đến chật sảnh Hội đồng đô thành, đòi hội đồng phải từ chức vì đi ngược lại ý nguyện của dân. Phong trào lan nhanh đến các chợ Mỹ Tho, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đà Nẳng...
Học sinh sinh viên trở thành một lực lượng hùng hậu trong đội quân chính trị của thành phố bằng các cuộc đấu tranh chống thu lệ phí trường công, đòi dùng tiếng Việt trong các chương trình giảng dạy, đòi cải cách chương trình giáo dục...
Khi chính quyền Diệm khi đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, trong thời kỳ này, ở Hóc Môn chỉ còn 1/100 đảng viên so với trước đó. Ở Gò Vấp, Tân Bình còn 8/1.000 đảng viên. Phong trào đấu tranh của phụ nữ và nhân dân thành phố trong thời kỳ lịch sử “đình chiến nhưng không có hòa bình” đổi giá bằng máu, đối mặt với những tổn thất to lớn nhưng phụ nữ vẫn không chùn bước. Nhân dân thành phố nung nấu lòng căm thù quân cướp nước, làm tiền đề cho các phong trào bùng lên với sức mạnh không gì ngăn cản nổi trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo...
Ngày 8.3.1961 đến tháng 6.1976: Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Các cán bộ Hội trở thành lực lượng nòng cốt hình thành nên các tổ chức công khai và phong trào đấu tranh yêu nước của phụ nữ ở miền Nam như:
Ngày 20.12.1960, trong khí thế đồng khởi thắng lợi, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam thành lập, đánh dấu cuộc đấu tranh cách mạng của quân dân miền Nam đang chuyển qua một giai đoạn mới. Ngày 8.3.1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với đại diện đủ các thành phần gồm công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, nữ sinh viên học sinh, phụ nữ các tôn giáo… Báo Phụ nữ giải phóng, cơ quan ngôn luận của Hội Liên Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt nam được thành lập đầu năm 1963, phản ánh phong trào phụ nữ sôi nổi thi đua đánh Mỹ.
Ngay giữa trung tâm quyền lực của Mỹ ngụy, phụ nữ thành phố không ngăn được niềm tự hào và xúc động trước 8 chữ vàng “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang” mà Đảng đã trao tặng cho phụ nữ miền Nam nhân Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền nam Việt Nam. Từ những phong trào đấu tranh chính trị, phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ngày càng tiến lên đấu tranh võ trang, kết hợp binh vận, góp phần cùng toàn dân lần lượt làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ngụy. Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành lực lượng nòng cốt, hình thành nên các tổ chức và phong trào phụ nữ yêu nước ở miền Nam.
Năm 1965, Mỹ quyết định tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh này không chỉ gây ra những đau thương, mất mát lớn cho nhân dân ta mà còn gây ra những tác hại lớn trong toàn xã hội miền Nam, nhất là ở các đô thị. Ngày 26.6.1966, một tổ chức phụ nữ mang tên Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ra đời tại trường nữ trung học Đức Trí do bà Nguyễn Bình Minh làm hiệu trưởng. Bà Phan Thị Của, giáo viên trường nữ trung học Gia Long, chủ tịch Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ hôm đó đã nhắc tại truyền thống đầy tự hào của phụ nữ Việt Nam “Bên ngoài thì can đảm chống giặc ngoại xâm, trong gia đình thì đảm đang, trung trinh tiết liệt. Những gương như vậy, sử sách của ta không thiếu”. Được sự chỉ đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định và Ban phụ vận Thành ủy, có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức công khai và bán công khai của thành phố như các nghiệp đoàn, Đoàn nữ Phật tử, Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh... Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ phát triển nhanh chóng, tập hợp rộng rãi, đông đảo nhiều tầng lớp phụ nữ, từ giới trung lưu, lôi cuốn cả những chị em là viên chức trung và cao cấp của chính quyền Sài Gòn, cả vợ các sĩ quan cao cấp trong chính quyền Mỹ Thiệu, cả giới nữ công nhân, tiểu thương...
Trong bối cảnh phong trào cách mạng nông thôn lên cao, sôi sục; các phong trào đô thị cũng trên đà phát triển; Hội bảo vệ nhân phẩm phụ nữ nâng cao khẩu hiệu đấu tranh từ bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, chống mại dâm lên khẩu hiệu chính trị cao hơn, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Những ngày đầu mùa hè đẫm máu năm 1970, khi cuộc thảm sát dã man hàng ngàn Việt kiều tại Campuchia do chính phủ Lon Non tiến hành gây nên làn sóng căm phẫn, làm bùng dậy các phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Liên tiếp các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh diễn ra, cao điểm là cuộc tiến công vào Tòa đại sứ Miên, thu hút đông đảo mọi tầng lớp đồng bào, có cả giới nhân sĩ trí thức, tu sĩ, công nhân lao động, nông dân…, đặc biệt là giới phụ nữ. Chính trong không khí sôi động ấy, ngày 2.8.1970 một mặt trận đấu tranh công khai, rộng lớn, độc đáo của phụ nữ thành phố Sài Gòn ra đời, nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam, ban đầu là Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống, sau đổi là Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, do bà Ngô Bá Thành làm chủ tịch, tổng thư ký là nữ sinh Trần Thị Lan.
Với tuyên ngôn đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập một chính phủ thực sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống cho phụ nữ Việt Nam, đã thu hút đông đảo phụ nữ mọi thành phần xã hội, từ những nữ công nhân các xí nghiệp, lao động các xóm, tiểu thương 149 chợ, nữ Phật tử, gia đình có người thân ở tù, nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội, trí thức, nhiều nhà công thương kỹ nghệ…. Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống mới khai sinh đã có 15 đoàn thể phụ nữ gia nhập, năm 1971 lên đến 20 đoàn thể thuộc mọi ngành nghề, tôn giáo, mọi xu hướng và chỉ trong thời gian ngắn đã triển khai các bộ phận ra các tỉnh thành Huế, Đà Nẳng, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… Phong trào tích cực hỗ trợ các cuộc đấu tranh của nữ công nhân bột giặt Viso, của công nhân Pin Con Ó, của công nhân Tân Cảng, của nông dân Phứơc Long bị ngụy quyền cướp đất xây căn cứ quân sự… Phong trào luôn sát cánh và ủng hộ phong trào học sinh sinh viên, giáo chức, ký giả và các tôn giáo… Hoảng sợ trước sức mạnh của phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, địch tìm cách bắt bà Ngô Bá Thành và Trần Thị Lan vào tù. Trong tù, bà Ngô Bá Thành vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đòi quyền sống bằng các chương trình phát thanh miệng với nội dung “phụ nữ đòi quyền sống”, với hàng chục bản tin “tự chế” phát bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Địch cho ném cả vôi vào xà lim, cho xịt nước; chương trình phát thanh hàng ngày mà bà Ngô Bá Thành là người đóng vai trò phát ngôn chính vẫn được duy trì”.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tác động mạnh mẽ vào tâm tư giới tu sĩ Phật giáo. Không chỉ dưới chính quyền Diệm mà dưới nhiều thời cầm quyền khác, Phật giáo miền Nam, nhất là Phật giáo yêu nước là đối tượng bị đàn áp. Dưới ngọn cờ Mặt trận giải phóing miền nam Việt Nam, nhiều hội đoàn Phật giáo được thành lập, phát huy truyền thống yêu nước, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Liên đoàn phụ nữ Phật tử tuy ra đời sau các Hội đoàn Phật tử khác như đoàn “Nữ Phật tử giáo chức” do Ban phụ vận Thành ủy chủ trương tổ chức; đoàn “Nữ Phật tử Việt Nam”, đoàn “Nữ Phật tử Long Hoa”... nhưng nhanh chóng tạo được uy tín lớn, tập họp đông đảo đồng bào Phật tử. Liên đoàn phụ nữ Phật tử và nữ Phật tử giáo chức là nòng cốt tập họp các đoàn thể nữ Phật giáo khác đã có từ trước, hưởng ứng cuộc vận động lớn giữa tháng 5.1967 của Phật tử và nhân dân thành phố chống chiến tranh, cầu nguyện hòa bình, đòi Mỹ rút quân. Ngày 16.5.1967, nữ sinh, nữ Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu; nguyện biến mình thành ngọn đuốc thức tỉnh lương tri loài người, đòi hòa bình cho Việt Nam. Tiếp theo là hàng loạt các cuộc tự thiêu của các Phật tử khác...
Nổi bật trong phong trào phụ nữ đòi quyền sống còn có ni sư Huỳnh Liên, người sáng lập ra tịnh xá Ngọc Phương (1957), trung tâm của hệ phái khất sĩ ni giới miền Nam, do bà làm ni trưởng, thu hút hàng vạn tín đồ khắp hai miền Nam-Trung, giúp đỡ người già, lập cô nhi viện nuôi những trẻ mồ côi vì chiến tranh. Bà còn sáng tác, dịch trên 200 bài thơ, bài kệ. Bà còn vận động phụ nữ viết bưu thiếp lên án chính phủ Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam, đấu tranh đòi cơm áo, tự do, hòa bình; đòi thả tù chính trị...Trong vai trò cố vấn của “Phong trào phụ nữ đòi quyền sống” và “Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ và hòa bình”, bà đã thu hút hàng vạn Phật tử tham gia, ủng hộ phong trào. Bất chấp sự đàn áp của địch, bà vẫn kiên trì lãnh đạo giới Phật tử tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự phản động ngày càng gia tăng của chính quyền Mỹ Thiệu.
Ngày 30.9.1974, giới ni sư, khất sĩ và phụ nữ xuống đường, trực chỉ đến trụ sở Hạ nghị viện đòi thả tù chính trị, phản đối chính quyền dùng nhân viên công lực gác chùa, giám sát hoạt động tín ngưỡng. Ngày 10.10.1974, các ni sư và luật sư Ngô Bá Thành tổ chức cuộc biểu tình tại chợ Bến Thành, có hàng vạn đồng bào tham dự. Phái đoàn ni sư Huỳnh Liên vừa xuống công trường Quách Thị Trang với sự hiện diện của đại biểu Kiều Mộng Thu thì bị đột kích đánh lén. Với khí thế sôi sục, đoàn biểu tình rượt đánh an ninh cảnh sát rồi tấn công bót Lê Văn Ken vì những người đánh ni sư đều chạy vào bót này. Các ni sư nhân lúc địch mất cảnh giác, ào tới chiếm một xe jeep cảnh sát tại chợ Bến Thành, nhanh chóng căng biểu ngữ, vừa hô “đả đảo”. Bọn an ninh và cảnh sát tấn công, giựt biểu ngữ, sự hỗn loạn diễn ra. Chưa đầy tháng sau, ngày 7.11.1974, diễn ra cuộc biểu tình trên đường Chi Lăng, có hàng vạn quần chúng, mà vai trò chính là của các ni cô ở tịnh xá Ngọc Phương và phụ nữ Phật tử thành phố tham gia.
Phong trào phụ nữ buôn bán nhỏ ở Sài Gòn tuy không kịch liệt như những cuộc đấu tranh khác nhưng rộng lớn, bao gồm 36 chợ Sài Gòn và ngoại thành, rồi lan xa các chợ thị xã miền Tây. Chị em tiểu thương của nghiệp đoàn đấu tranh chống thuế TVA, chống thầu góp chợ. Chị em tiểu thương tổ chức đại hội đại biểu của nghiệp đoàn 36 chợ, đề ra yêu sách của mình. Năm 1973, tại Sài Gòn, 4000 chị em tiểu thương bao vây giám đốc thuế vụ.
Sẽ thật thiếu sót, nếu như phong trào phụ nữ thành phố suốt 21 năm chống Mỹ thiếu vắng bóng dáng những thiên thần ra trận. Ở thành phố Sài Gòn, nữ biệt động đóng vai trò quan trọng trong các trận đánh làm rung động cả thế giới. Đỉnh cao các trận đánh của các nữ biệt động thành phố là Mậu Thân năm 1968. Hầu hết, ở những cánh quân đánh vào những đầu não địch, đều có nữ biệt động tham gia. Trong hoàn cảnh bất lợi cho các mũi tấn công của biệt động do không phối hợp được với đại quân, nhiều nữ biệt động đã cùng đồng đội chiến đấu vô cùng dũng cảm và hy sinh anh dũng.
Tham gia các trận đánh còn có lực lượng bảo đảm nằm ngay trong lòng địch, thuộc đủ các tầng lớp, thành phần, tôn giáo, đã dũng cảm vượt qua nhiều trở ngại, ác liệt do bom đạn, biệt kích, các cuộc càn quét, bắt bớ, khám xét liên tục của địch để thiết lập mạng lưới đường dây liên lạc và các cơ sở trú, ém quân, cất giấu vũ khí, nuôi giấu thương binh… Nếu không có những người phụ nữ giàu lòng yêu nước, trung thành với cách mạng, âm thầm lặng lẽ chọn cho mình vị trí chiến đấu vô cùng đặc biệt thì “đơn vị bảo đảm” không thể hoàn thành khối lượng lớn công việc cho những trận đánh xuất quỷ nhập thần, vang dội, góp phần quyết định cho các đội biệt động trong cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân. Đó là những người mẹ, người chị Bàn Cờ, khu Xóm Chùa, Tân Định, Cầu Bông… với vẻ ngoài bình thường, dung dị, lẫn trong chính cuộc sống lam lũ khu lao động hay trầm mặc, kín đáo nơi chốn cửa thiền. Những người phụ nữ ngỡ như vô cùng “xa lạ” giữa nông thôn và thành thị; nông dân và trí thức; bình dân và sang trọng, quý phái này có mối dây liên kết, hoạt động vô cùng phong phú…
Sau ngày 30.4.1975: các tổ chức và phong trào trên tự nguyện gia nhập vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6 năm 1976, Hội Liên hiệp Phụ nữ hai miền thống nhất lại, lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Từ những phụ nữ đầu tiên đến với tổ chức Hội phụ nữ Giải phóng năm 1927 do bà Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt vận động cho đến khi Hội Phụ nữ Giải phóng ra đời, trở thành một đoàn thể khắn khít trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cả quá trình vận động cách mạng, vận động công tác phụ nữ của Đảng. Cho đến ngày hoà bình, thống nhất đất nước, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình. Trong đấu tranh, phụ nữ vừa là đội quân chiến đấu trực diện với Mỹ ngụy ở phía trước và trong vùng hậu địch, đồng thời là lực lượng mạnh mẽ xây dựng hậu phương vững chắc. Phụ nữ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, xứng đáng cùng phụ nữ Miền Nam nhận 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng đã khen tặng.
Năm 1976, Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam được hợp nhất vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đó là cuộc hội ngộ lịch sử của đại biểu phụ nữ hai miền Nam Bắc, được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ ngày 20.10.1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập và trở về đúng với tên gọi trong Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930, Hội nghị đã thông qua một nghị quyết riêng về công tác vận động phụ nữ.
Từ đây, phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhân dân viết tiếp những trang sử những ngày hòa bình, những nỗ lực ổn định đời sống; tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam; trăn trở đi lên trong sự nghiệp đổi mới; xóa đói giảm nghèo; từ quả trứng ly sữa chăm sóc cho bé thơ đến những nỗ lực tham gia phong trào 3 giảm; không ngừng nâng cao dân trí, đóng góp nguồn lực to lớn vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp quá đất nước. Một thành phố năng động của những con người năng động sáng tạo mà trong đó giới phụ nữ cũng không kém nam giới đang tự tin mà đi lên, dù phía trước vẫn không ít những rào cản về giới. Trên nhiều lĩnh vực, vươn đến sự bình đẳng là một cuộc trường chinh còn xa vời vợi của phụ nữ, bởi một thế kỷ của tư tưởng bình quyền vẫn chưa thể làm thay đổi nếp hằn hàng ngàn năm của chế độ gia trưởng. Nhưng những khó khăn ấy không làm chùn bước đôi chân của những người phụ nữ đặt vào thế kỷ 21 và làm nên những dấu ấn mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ. Bước vào thế kỹ 21, phụ nữ Việt Nam có quyền tự hào khi được nằm trong danh sách 20 nước có trên 25% phụ nữ tham gia Quốc Hội. Nhìn lại phong trào Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và phát triển, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết vui mừng kêu gọi: “Phụ nữ cứ tự tin mà đi lên”.
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tháng 10/2004
với
Bạn chưa có tài khoản? Tạo tài khoản
Đã đăng ký tài khoản? Đăng nhập