Hội LHPN: Mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền giai đoạn 2009-2019
“Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được thể hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cấp Hội thực hiện theo Quyết định 217-QĐ/TW về ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, tạo thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của tổ chức mình. Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố rất quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn thực hiện, tổ chức tọa đàm, tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng giám sát cho 100% cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách của 24 quận huyện và 319 phường, xã, thị trấn về công tác giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; kỹ năng tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cấp Hội Phụ nữ, trong đó định hướng cụ thể cách xác định vấn đề, nội dung giám sát, hình thức giám sát, các bước thực hiện Kế hoạch giám sát, cách thức xây dựng bộ công cụ giám sát, thực hiện báo cáo kết quả giám sát, văn bản đề xuất chính quyền và các ngành chức năng…

Trong giai đoạn 2009 – 2019, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tổ chức 2.229 cuộc giám sát độc lập với các nhóm nội dung về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, phụ nữ yếu thế, chính sách cho cán bộ không chuyên trách; công tác quản lý nhà nước về thi hành luật phòng, chống bạo lực gia đình, luật trẻ em; về an toàn thực phẩm… Phối hợp với các ngành, đoàn thể tham gia giám sát các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em như: Chính sách cho người có công, hoạt động quản lý nhà nước tại các trường mầm non ngoài công lập, các khoản đóng góp của phụ huynh tại các trường tiểu học, chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững,...

Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện Quyết định số 935-QĐ/TU ngày 28/4/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 936-QĐ/TU ngày 28/4/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tham mưu Thành ủy tổ chức hội nghị đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu. Qua đối thoại, các vấn đề được đại biểu đề xuất, kiến nghị đến lãnh đạo Thành phố đã và đang được lãnh đạo thành phố quan tâm, nghiên cứu và triển khai thực hiện bằng những hoạt động cụ thể như: Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình; vấn đề Quản lý an toàn thực phẩm; vấn đề phát triển du lịch Thành phố; các hoạt động liên quan đến nhóm trẻ gia đình; có văn bản quy định chính thức mức hỗ trợ hàng tháng cho Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ là 0,3 và tại một số địa phương cấp ủy quan tâm hỗ trợ cho Tổ trưởng Tổ Hội Phụ nữ; Xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; Xây dựng môi trường lao động an toàn, hiệu quả đối với nữ công nhân, lao động vệ sinh...

Các cơ sở Hội nâng chất từ mô hình Diễn đàn hội viên sang Hội nghị tiếp xúc, đối thoại, mỗi cơ sở Hội thực hiện ít nhất một cuộc/năm. Đối tượng tham dự có thể mở rộng, không chỉ là hội viên mà có thể mời phụ nữ, nam giới,… việc lựa chọn chủ đề tùy vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, tập trung hướng đến những vấn đề được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm, gắn với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Thực hiện Quy định tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Trợ giúp pháp lý miễn phí của các cấp Hội từ thành phố đến quận, huyện đã giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Hội viên, phụ nữ được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn Thành phố. Từ năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố ký kết Kế hoạch phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố trực tiếp công dân và trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm nâng chất hoạt động Tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí tại trụ sở của Hội, số 32 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, có 15 Luật sư luân phiên trực 02 buổi/ngày, từ thứ hai đến thứ sáu (trừ các ngày Lễ, Tết) tiếp công dân và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân có nhu cầu.

Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần thiết phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng cách thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thân của nhân dân. Do vậy, “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân. Các mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn thành phố trong 10 năm qua đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Ban Chính sách – Luật pháp