Chi tiết tin

[Giải thưởng Nguyễn Thị Định - Lần VI] LẶNG LẼ GÓP MỘT BÀN TAY

           ►►► NHẰM TÔN VINH CÁC CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ CÓ NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỔ CHỨC HỘI LHPN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA THÀNH PHỐ, NĂM 2008, HỘI LHPN TP.HCM ĐÃ ĐỀ XUẤT UBND TP.HCM CHO PHÉP TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG MANG TÊN NỮ TƯỚNG NGUYỄN THỊ ĐỊNH.

            Kể từ đó, đây là lần đầu tiên giải thưởng Nguyễn Thị Định được đưa ra bình chọn công khai, lấy ý kiến từ hội viên, phụ nữ các cấp. Sau khi được các cơ sở Hội bình chọn, giới thiệu, cuối năm 2019 Hội LHPN TP.HCM đã thống nhất đề cử 5 tập thể và 13 cá nhân để tiếp tục bình chọn trên Facebook của Hội trong hai tháng. Qua sự bình chọn công khai cùng sự xét duyệt của hội đồng thẩm định, giải thưởng Nguyễn Thị Định lần 6, năm 2019 được trao cho 2 tập thể và 6 cá nhân.
***
           |CLB NỮ NGHỆ SĨ TPPHÁT TRIỂN DÂN CA, HÁT RU VÀ CÁCH MẠNG
           Khởi động năm 2015, đến nay lớp dạy các làn điệu dân ca, nhạc cách mạng của Câu lạc bộ (CLB) Nữ nghệ sĩ TP.HCM, trực thuộc Hội LHPN TP.HCM,  đã  tổ  chức được 9 khóa với gần 200 học viên. Tham gia giảng dạy cho các lớp học là các nữ nghệ sĩ có tên tuổi như các NSƯT Quỳnh Liên, Hồng Vân, Vân Khánh; MC Như Quỳnh, nghệ sĩ Bích Phượng…
Nhiều học viên lớp dân ca, hát ru và nhạc cách mạng
cùng tham gia biểu diễn văn nghệ

            Qua 9 khóa, CLB đã truyền dạy được 70 làn điệu dân ca ba miền và hơn 100 ca khúc truyền thống cách mạng, trang bị cho học viên những kiến thức âm nhạc và kỹ năng cơ bản trong ca hát, biểu diễn sân khấu. Ngoài ra, CLB còn lồng ghép hướng dẫn học viên kỹ năng xử lý tình huống sân khấu, tiếng nói sân khấu, làm chủ cảm xúc và tự tin trước đám đông, luyện thanh, luyện giọng, phát âm, lấy hơi, nén hơi, kỹ năng hát bè, làm quen với nhạc lý cơ bản. Sau mỗi khóa học, CLB chọn lọc và tổ chức dàn dựng cho học viên biểu diễn nhiều tiết mục có chất lượng nghệ thuật.
          Cuối năm 2018, xuất phát từ nhu cầu của học viên, CLB phối hợp với Hội Âm nhạc TP.HCM mở thêm lớp kỹ năng thanh nhạc và xử lý ca khúc cách mạng. Đến nay đã có 6 CLB, đội, nhóm dân ca ra đời và đang hoạt động sôi nổi tại các quận huyện mà thành viên đóng vai trò nòng cốt là học viên các lớp nói trên.
****
|  HỘI LHPN QUẬN 7 - HỘI PHỤ NỮ TIẾN VÀO CÁC CHUNG CƯ
             Thực hiện phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, Hội LHPN Q.7 đã phối hợp cùng cấp ủy  địa  phương tổ chức nhiều hoạt động thu hút chị em. Từ năm 2016, với các hoạt động như đồng diễn áo dài, biểu diễn  dưỡng  sinh, đi bộ đồng hành, giao lưu văn hóa văn nghệ, từ thiện xã hội… Hội đã dần thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều chị em tại các chung cư. Nắm bắt nhu cầu của chị em, Hội đã thành lập CLB Ngân cao tiếng hát với 10 thành viên thường xuyên tập dợt để phục vụ văn nghệ cho các hội nghị.
              Quận 7 là địa bàn có nhiều người nước ngoài sinh sống, đặc biệt là các gia đình Hàn - Việt. Để thu hút nhóm phụ nữ khá đặc thù này đến  với  Hội,  chia sẻ và đồng hành, Hội LHPN Q.7 đã phối hợp UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức ngày hội Giao lưu văn hóa Việt - Hàn với những hoạt động văn hóa, ẩm thực, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo và chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống của người Hàn khi đến sống và làm việc tại Việt Nam…

Ảnh - Phụ nữ các chung cư tham gia hội thi ẩm thực tại Ngày hội văn hóa Việt - Hàn do Hội LHPN Q.7 tổ chức.
            Hoạt động được duy trì 3 năm nay và thu hút hơn 1.000 lượt người (cả người Việt, người Hàn và người dân các nước khác) tham gia. Bên cạnh đó, Hội còn thành lập CLB Việt - Hàn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, mở 2 lớp dạy tiếng Hàn, tiếng Anh miễn phí; vận động người nước ngoài tham gia hội thi Duyên dáng áo dài, đồng diễn áo dài, hội thao… Hiện toàn quận có 34 tổ hội với 487 hội viên phụ nữ trực thuộc các chi hội tại các địa bàn dân cư; trong quá trình hoạt động đã thu hút được 4.536 phụ nữ 18 tuổi trở lên (tăng 9,3 lần so với số hội viên) trong các khu chung cư tham gia.
***
| CÔ ĐOÀN LÊ HƯƠNG -  ĐẦU TÀU THIỆN NGUYỆN
             “Linh hồn” của Hội  Phụ  nữ từ thiện TP.HCM - bà Đoàn Lê Hương - hiện đã ở tuổi 73. Song tuổi tác dường như không ngăn được đôi chân bà đi tìm nguồn kinh phí để tổ chức các chương trình thiện nguyện như chăm lo phụ nữ, trẻ em nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật.

Ảnh - Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM trao cờ và chúc mừng bà Đoàn Lê Hương (thứ hai từ trái qua)
nhân kỷ niệm 30 thành lập Hội Phụ nữ từ thiện
 
              Từ năm 2006, bà Đoàn Lê Hương tham gia Hội  Phụ  nữ từ thiện và đảm nhận chức vụ phó chủ tịch rồi chủ  tịch.  Với sự nhiệt tình, trách nhiệm và tấm lòng nhân ái bao la, bà đã cùng hơn 1.700 cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM đề ra kế hoạch, biện pháp để thực hiện nhiều chương trình  an sinh xã hội như xây dựng cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương cho hộ phụ nữ nghèo vùng sâu; vận động xây nhà lưu trú, nhà vệ sinh, phòng y tế, giếng khoan và sân trường cho các tỉnh Tây Nguyên...
***
| BÁC SĨ NGUYỄN THỊ ÁNH ĐÔNG - NGƯỜI MẸ THỨ HAI CỦA BỆNH NHÂN HIV/AIDS
           Với 40 năm công tác trong ngành y, hơn 22 năm gắn bó với việc tư vấn, khám bệnh, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông - Trưởng Ban Điều hành mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại TP.HCM (trực thuộc Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM) được ví như người mẹ thứ hai của nhiều bệnh nhân HIV/AIDS.
Ảnh - Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông (giữa) truyền thông về xây dựng cộng đồng phục hồi, trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS
 
     Năm 2003, bác sĩ Ánh Đông khởi xướng thành lập CLB Niềm tin gồm các dì, các chị, các mẹ là những người bị nhiễm và thân nhân của người nhiễm HIV. CLB sinh  hoạt  mỗi  tháng  hai  lần. Bằng  kiến  thức  của  mình,  bác sĩ Ánh Đông đã giúp các thành viên hiểu rõ về căn bệnh và làm giảm lây lan HIV, giảm kỳ thị từ cộng đồng với người nhiễm HIV.
      Đến năm 2005, bà chủ động phối hợp với Hội LHPN Q.Bình Thạnh ra mắt CLB Đồng cảm đầu tiên của thành phố do bà làm chủ nhiệm. CLB đã phối hợp với Hội Phụ nữ Q.Bình Thạnh tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS thông qua các hình thức tiểu phẩm, đố vui, giao lưu, thi hát karaoke; chăm lo cho con em và gia đình các thành viên CLB…
       Không chỉ quan tâm, gần gũi, chia sẻ  và  tư  vấn  cho  các  đối tượng  nhiễm  HIV  về  cách  ăn uống, thuốc men, thể dục để giữ gìn sức khỏe… bác sĩ Ánh Đông còn luôn lắng nghe, tìm hiểu và hỗ trợ kịp thời những khó khăn của các thành viên. Hằng năm, bà đã cùng với Hội LHPN quận vận động kinh phí để tạo sân chơi cho người nhiễm HIV và gia đình, giúp họ vượt qua mặc cảm.
      Với sự tận tụy, bà đã khơi dậy trong mỗi bệnh nhân HIV/AIDS khát vọng sống và quyết tâm vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật.

***
| BÀ PHẠM THỊ HỒNG - NGƯỜI QUẢN LÝ GẦN GŨI NGƯỜI LAO ĐỘNG
             Là Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Nệm Vạn Thành, một đơn  vị có 550 công nhân (140 nữ), bà Phạm Thị Hồng luôn suy nghĩ để tìm ra các hình thức hoạt động thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Để làm được việc đó, bà luôn đứng về phía người lao động, từ góc độ bình đẳng giới để xem xét, giải quyết các vấn đề. Nhờ sự sâu sát, gần gũi với người lao động mà bà đã tham mưu, đề xuất tổ chức các hoạt động tuyên truyền định kỳ mỗi quý/lần và đã tuyên truyền cho trên 400 lao động/năm.
              Bà cũng là người chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe định kỳ, trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 140 nữ công nhân của công ty; tạo điều kiện cho 15 lao động nữ có cơ hội phấn đấu, thể hiện năng lực, để được đề bạt vào các vị trí chủ chốt.

Ảnh - Phòng giữ trẻ của Công ty Nệm Vạn Thành ngày ra mắt
             Nhờ luôn gần gũi, lắng nghe chị em mà bà Hồng đã giải quyết kịp thời những kiến nghị dù rất nhỏ về chế độ, chính sách. Năm 2019, với đề xuất của bà, Công ty Nệm Vạn Thành đã bố trí một sân chơi 60m2 với đầy đủ đồ chơi cho 60 trẻ em và cử hai công nhân luân phiên phụ trách giúp cha mẹ các cháu yên  tâm  khi phải tăng ca sản xuất.
***
| PGS.TS TRƯƠNG THỊ HIỀN - NGƯỜI ĐỒNG HÀNH VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHỤ NỮ
            
Ảnh - Phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền
 
Phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền là một trong 28 thành viên sáng lập CLB Nữ trí thức TP.HCM (tiền thân Hội Nữ trí thức thành phố) vào tháng 3/2011. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ trí thức bà đã tổ chức các hoạt động nhằm phát huy năng lực, vai trò nữ trí thức như xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên; thành lập nhóm Báo cáo viên và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển; phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo nhằm đề xuất kiến nghị các chủ trương chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới…              
              Dưới sự lãnh đạo của bà, Hội Nữ trí thức thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng như xây dựng quỹ học bổng “Vì nữ sinh viên vượt khó, học giỏi”; phát động hội viên tham gia chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; ủng hộ quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, quỹ “Vì người nghèo”, xây nhà tình nghĩa, trao quà Tết cho người ghèo…

***
|BÀ ĐINH THỊ BẠCH MAI -  CHỦ TỊCH HỘI LHPN CÓ NHIỀU SÁNG KIẾN
           
Ảnh - Bà Đinh Thị Bạch Mai (bìa phải) dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành
       Không chỉ là “đầu tàu” mà bằng sự tận tâm, tận tụy, bà Đinh Thị Bạch Mai - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã nghiên cứu giới thiệu ý tưởng, vận động triển khai thực hiện hiệu quả những công trình đã nêu trong Nghị quyết Đại hội (nhiệm kỳ 2011-2016).
          Một trong những công  trình ấy là Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Rành, bà đã chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện. Công trình khánh thành đầu năm 2013, đến nay đã có hơn 8.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ đến thắp hương tưởng niệm.
Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của công nhân, bà đề xuất thực hiện Đề án: “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (Đề án 404) với mục tiêu hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân có con dưới 36 tháng tuổi có chỗ gửi con an toàn.
 
***
|BÀ TÔ THỊ MỸ LINH - NGƯỜI BẠN CỦA NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
             Tính đến nay đã 36 năm bà Tô Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, gắn cuộc đời mình với tổ chức Hội. Đó cũng là khoảng thời gian bà đồng hành cùng các chị em trên bước đường mưu sinh, tìm hạnh phúc; gắn bó với những phụ nữ, thanh niên từng lầm lỡ trên bước đường hồi gia; cưu mang những đứa trẻ bất hạnh…

Ảnh - Bà Tô Thị Mỹ Linh thăm gia đình hội viên khó khăn
            Những đóng góp của bà Tô Thị Mỹ Linh cho hoạt động xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội và công tác Hội ở P.Cầu Ông Lãnh là không thể kể hết. Riêng từ năm 2016 đến nay, với mô hình “Nhóm dịch vụ gia đình”, Hội Phụ nữ phường đã giới thiệu việc làm cho 85 phụ nữ với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, bà còn lập quán cơm xã hội và cưu mang 40 trẻ em cơ nhỡ, 60 cụ già neo đơn. 
             Để Hội thiết thân hơn với chị em, bà Linh đã xây dựng và triển khai mô hình “Lắng nghe, chia sẻ và trách nhiệm”. Bà yêu cầu các cán bộ, hội viên phải cùng nhau rà soát và nắm bắt từng hoàn cảnh phụ nữ, trẻ em, người già khó khăn, neo đơn, bệnh tật… trên địa bàn rồi phân công cán bộ tìm cách giúp đỡ. Kết quả là nhiều đứa trẻ đã được làm khai sinh, được vào học tại các lớp học tình thương; học sinh hiếu học được trao xe đạp, tặng học bổng; phụ nữ lầm lỡ, phạm tội được cảm hóa; nhiều phụ nữ bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè được chuyển đổi ngành nghề…
HẠNH CHI - THẢO NGUYÊN
 
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan